Tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10.2023, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Mục đích của đạo luật là tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong số 133 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến, có tới 122 ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này. Đây là con số thể hiện sự thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội.
Một trong những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm khi góp ý xây dựng dự thảo Luật là vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho trẻ em; một phần bởi các em chưa có nhận thức đầy đủ, chưa có khả năng tự bảo vệ và chưa lường trước được những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của nhiều đại biểu Quốc hội, mặc dù dự thảo Luật đã có những quy định mới, rất tiến bộ về bảo vệ trẻ em, song vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em, giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích. Ví dụ như về sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em khi tham gia giao thông; các quy định hỗ trợ trẻ em khi tham gia giao thông; bảo đảm an toàn giao thông với xe đưa đón học sinh…
Để tiếp tục có những đóng góp hữu ích vào quá trình xây dựng Luật này, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em trong giao thông, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em”.
Tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu: Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh; bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng;PGS.TS Vũ Hoài Nam, Đại học Xây dựng Hà Nội;PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải.
Tại tọa đàm, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi về thực trạng an toàn giao thông cho trẻ em hiện nay, đặc biệt là làm rõ các nguyên nhân, nguy cơ gia tăng rủi ro cho các em; đồng thời, tiếp tục đề xuất các chính sách nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích…
Những ý kiến tại tọa đàm sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích, tin cậy đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong hoàn thiện dự thảo Luật, qua đó góp phần xây dựng dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ Bảy vào tháng 5.2024, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật này.