Rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội
Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đồng thời đánh giá, dự thảo luật đã thể chế hoá đầy đủ, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em hiện nay.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, về quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng (Điều 156) cần cân nhắc và tính toán đến các điều kiện như: đất đai, xây dựng trụ sở, bố trí cơ sở vật chất ở các trại tạm giam để khi các quy định này được thực hiện sẽ bảo đảm được các điều kiện phát sinh theo sau.
Về rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Đặng Bích Ngọc tán thành với ý kiến thứ nhất trong Tờ trình: Cần rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội theo hướng thời hạn điều tra, truy tố, xét xử không quá một phần hai thời hạn tương ứng được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp.
Tuy nhiên, đại biểu Ngọc cho rằng, cần rút ngắn hơn nữa thời hạn điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm công ước quốc tế về quyền trẻ em “vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên” và hạn chế những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên do thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam quá dài như hiện nay.
Về bảo đảm nguồn lực để triển khai một số chính sách trong dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị, để bảo đảm tính khả thi của chính sách khi luật được thông qua, cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá tác động, cũng như xác định nguồn lực tài chính để bảo đảm thi hành một số chính sách mới trong dự thảo luật như: chế độ đối với một số nhân lực tham gia thực thi hoạt động tư pháp người chưa thành niên; kinh phí thực hiện một số giải pháp ngăn chặn…
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội (Điều 21), ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) đề nghị, xem xét bổ sung về quyền và nghĩa vụ đối với người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp cần thiết, phải sử dụng song song hai loại ngôn ngữ, đó là tiếng Việt và tiếng dân tộc của họ khi người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, bị buộc tội. Vì hiện tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa một bộ phận người chưa thành niên còn hạn chế trong việc tiếp cận, sử dụng tiếng phổ thông.
Một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể những người chưa thành niên phạm tội ở mức độ nào thì phạt tiền. Bởi nếu người chưa thành niên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng thì có thể phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù sẽ tạo nên sự phân biệt và chưa bảo đảm tính công bằng giữa người chưa thành niên có thu nhập, có điều kiện và người chưa thành niên không có thu nhập, gia đình khó khăn trong xét xử.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng dân cư trong phát triển văn hóa
Qua nghiên cứu báo cáo, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, các ĐBQH hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Chương trình MTQG về văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Theo các đại biểu, qua TXCT và thực tiễn thời gian qua, để thực hiện các chỉ tiêu, nghị quyết nội dung liên quan đến Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, việc đầu tư nguồn lực để phát triển cho văn hóa hiện còn khó khăn, nhỏ lẻ. Trong khi đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo DTTS cũng có chỉ tiêu này nhưng nguồn lực còn nhất định. Do vậy, để bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, nhiều tỉnh đã xác định văn hóa là một trong những ngành mũi nhọn và coi đây là mục tiêu cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Nhìn nhận vấn đề này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, thời gian qua, nguồn lực ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho phát triển văn hóa so với yêu cầu thực tế còn hạn chế, do vậy rất cần nguồn lực để phát triển. Do vậy, từ mục tiêu tổng quát đến mục tiêu tổng thể của Chương trình cần bổ sung thêm việc hiện nay thiết chế văn hóa cơ sở ở cấp huyện, cấp xã, nhất là nhà văn hóa cấp xã thì có khó khăn rất lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Đây là vấn đề cử tri rất quan tâm, nhấn mạnh điều này đại biểu đề nghị cần đưa vào mục tiêu cụ thể để giải quyết căn cơ nội dung này, nhất là trong giai đoạn đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Một số đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung thêm vào mục tiêu đó là “phát huy vai trò, sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư trong phát triển mục tiêu quốc gia về văn hóa”. Bởi, đây là nguồn lực rất to lớn, nếu phát huy tốt được các nguồn lực từ người dân trong việc đồng hành chung tay cùng cả nước thực hiện Chương trình MTQG về văn hóa sẽ góp phần tạo nên sự thành công và giải quyết được những khó khăn trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.