Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Hải Minh chia sẻ, chương trình Tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện là một trong các chiến dịch, chương trình thanh niên tình nguyện có quy mô toàn quốc được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai hàng năm. Năm 2021, Chương trình Tình nguyện mùa Đông 2021 và Xuân tình nguyện năm 2022 tiếp tục được triển khai từ cuối tháng 10 năm 2021 đến tháng 2.2022 tại các địa phương trên cả nước, trong đó tập trung tại các địa bàn trọng điểm tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, rét đậm, rét hại, hạn mặn; các xã nghèo; các xã chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc; các địa bàn 16 dân tộc thiểu số ít người có quy mô dân số dưới 10.000 người sinh sống; các địa phương bị rét đậm rét hại, nhất là các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Các nội dung của Chương trình được thiết kế gắn với tình hình thực tiễn, tập trung vào 5 nhóm nội dung chính, bao gồm: Chương trình “Vì sức khỏe cộng đồng” tổ chức các hoạt động tình nguyện chăm sóc, đảm bảo sức khoẻ cho người dân, thanh thiếu nhi tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Chương trình “Vì đàn em thân yêu” chăm lo cho thanh thiếu nhi tại các địa bàn khó khăn như vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ xây “Nhà bán trú cho em”, “Trường đẹp cho em”; Chương trình “Chia sẻ cùng nhà nông” tổ chức các đội hình tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và sản xuất cho bà con,…
Bên cạnh đó, tổ chức chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”; tổ chức chương trình “Triệu túi an sinh” vận động hỗ trực thực phẩm, tặng người dân và thanh thiếu nhi, đặc biệt là người dân và thanh thiếu nhi tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; tổ chức quyên góp chăn ấm, quần áo ấm, lương thực, thực phẩm đồ dùng cá nhân, dụng cụ học tập hỗ trợ trẻ em tại các địa bàn khó khăn; vận động các nguồn lực xã hội triển khai Chương trình “Điều ước cho em”…; chương trình “Cùng em học trực tuyến”…; tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng nhà nông” với việc tổ chức các đội hình tình nguyện có chuyên môn tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân cách chống rét cho lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm…; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội như: thăm, tặng quà gia đình cán bộ chiến sỹ, bác sỹ, y tá, các lực lượng tuyến đầu chống dịch có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình có người thân mất do đại dịch Covid-19...
Sau Lễ ra quân, Ban Tổ chức đã tặng quà cho 20 gia đình chính sách của huyện Sơn Động (quà tặng gồm 1 triệu đồng/gia đình); tặng quà cho 20 học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập huyện Sơn Động (quà tặng gồm 1 triệu đồng/em); Tặng 20 xe đạp cho 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập huyện Sơn Động; Trao biển tượng trưng Công trình “Thắp sáng đường quê” - Tuyến đường từ tổ dân phố Ké nối thôn An Bá, xã An Bá, huyện Sơn Đông (5km; trị giá 100 triệu đồng); Trao biển tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà nhân ái cho 2 hộ gia đình khó khăn tại thị trấn An Châu và xã Giáo Liêm, huyện Sơn Đông (mỗi căn trị giá 83 triệu đồng).
Ngoài ra Ban Tổ chức cũng trao biển tượng trưng công trình thanh niên Sân chơi cho em tại Nhà văn hoá thôn Đá Cối, xã Giáo Liêm (trị giá 30 triệu đồng); Trao biển tượng trưng tặng 100 bộ bàn ghế cho học sinh phổ thông có hoàn cảnh khó khăn (trị giá 150 triệu đồng); Trao biển tượng trưng Chương trình “Triệu túi an sinh” (1.000 Túi quà an sinh trị giá 250 triệu đồng); 5.000 khẩu trang kháng khuẩn (trị giá 250 triệu đồng), trao biển tượng trưng tặng 120 nghìn sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn Lifebuoy cho Bắc Giang và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang trao học bổng đỡ đầu hỗ trợ 2 học sinh học đến hết lớp 12 (500.000/mỗi tháng); trao biển tặng 300 áo ấm cho nhân dân và trẻ em tại huyện. Tổng kinh phí chương trình trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.