Ngày 18.3, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã chính thức ra mắt ứng dụng MCH247 được thiết kế cho điện thoại di động hệ điều hành IOS và Android cùng các phiên bản cho máy tính (hệ điều hành Windows). Ứng dụng được phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA và Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số (CCIHP) và sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa này nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp cận, sử dụng thông tin và dịch vụ về SKSS & SKTD không bị gián đoạn trong bối cảnh Covid-19.
Ứng dụng này đã được thí điểm tại các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn và sẽ được xem xét nhân rộng ra các tỉnh khác, đặc biệt tại các địa bàn sinh sống của người dân tộc thiểu số và lao động di cư.
Phát biểu tại Lễ ra mắt ứng dụng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Trần Đăng Khoa nhấn mạnh: “Bộ Y tế rất cảm ơn hỗ trợ của UNFPA và Chính phủ Nhật Bản trong việc phát triển công cụ kỹ thuật số hữu ích này. Ứng dụng như một cầu nối ảo giúp các nhân viên y tế, trong đó có cô đỡ thôn bản, tiếp cận với bệnh nhân để cung cấp thông tin và dịch vụ toàn diện về SKSS & SKTD. Đây là một trong những nỗ lực của chúng tôi để bảo đảm ‘không ai bị bỏ lại phía sau’ trong và sau đại dịch".
Cùng ngày, UNFPA Việt Nam đã bàn giao cho Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em bộ thiết bị hội nghị, tập huấn y tế trực tuyến, một phần thiết yếu trong sáng kiến chăm sóc sức khỏe từ xa. Với bộ thiết bị này, Bộ Y tế có thể giám sát và hỗ trợ chuyên môn về SKSS & SKTD từ xa cho tuyến tỉnh, tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao năng lực và chỉ đạo chuyên môn về các quy trình và hướng dẫn chăm sóc SKSS & SKTD.
Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara, đại dịch Covid-19 đã làm quá tải hệ thống y tế của Việt Nam, trong khi điều quan trọng là phải bảo đảm cung cấp liên tục các dịch vụ SKSS & SKTD thiết yếu cho phụ nữ mang thai và các nhóm dễ bị tổn thương khác ngay cả trong đại dịch. Các bà mẹ mang thai có xu hướng trì hoãn hoặc hủy các buổi khám thai, khiến cho việc phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ rất khó khăn.
“Ứng dụng MCH247 là một phần trong sáng kiến chăm sóc sức khỏe từ xa mà chúng tôi đang triển khai, tập trung hướng tới chăm sóc SKSS & SKTD cho nhóm dân tộc thiểu số. Chúng tôi đã nghiên cứu các công nghệ mới để hỗ trợ tổ chức các buổi khám lâm sàng trực tuyến, giám sát và hỗ trợ chuyên môn, tập huấn và phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến tỉnh, đồng thời bảo đảm tính liên tục và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS & SKTD ở tất cả các tuyến", bà Naomi Kitahara cho biết.
UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế quản lý ứng dụng MCH247 để người dân trên toàn quốc có thể tiếp cận, góp phần đạt được mục tiêu: Không có tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa. Không để phụ nữ nào phải chết khi sinh con!