Doanh nghiệp lớn mạnh thể hiện quốc gia cường thịnh
Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng, các đại biểu Quốc hội đều vui mừng nhận thấy, khép lại năm 2023 kinh tế nước ta tiếp tục ghi dấu ấn khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD. Chỉ số PMI của tháng 4.2024 tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm, qua đó cho thấy, sức khỏe ngành sản xuất được cải thiện nhẹ và đây là lần cải thiện thứ 3 trong 4 tháng qua. Lạm phát được kiểm soát, cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Công tác tái cơ cấu các ngành kinh tế, tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn kinh tế nhà nước được tập trung thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả cần ghi nhận.
ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) bày tỏ ấn tượng với một số kết quả quan trọng khác trong điều hành kinh tế - xã hội thời gian qua và đây cũng là những kết quả sẽ tác động về dài hạn. Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hạn chế, bất cập, đặc biệt là sửa đổi Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng và nhiều luật khác đáp ứng nhu cầu phát triển. Hay những kết quả trong thực hiện đột phá chiến lược về đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối Nam - Bắc.... "Việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và đột phá về hạ tầng cơ sở sẽ tạo điều kiện để nước ta khai thác tiềm năng, lợi thế và tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế vùng và liên vùng, cũng như kinh tế của quốc gia", đại biểu Đỗ Thị Lan nhấn mạnh.
Các đại biểu Quốc hội cũng khẳng định, những kết quả trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 đạt được là từ sự lãnh đạo của Trung ương, sự chủ động đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) nêu rõ, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế.
Dù vậy, qua nắm tình hình thực tế và từ báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vấn đề phát sinh, tác động đến tâm trạng xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, lo lắng.
Trong đó, các đại biểu lưu ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. "Một đất nước có cường thịnh hay không cần nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nước đó. Đây là một thực tế hết sức đáng suy ngẫm, đòi hỏi chúng ta phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, xác định giải pháp hữu hiệu", ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) lưu ý.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, do tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp; khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn đến mức cạn cực sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng doanh nghiệp giải thể.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Thị Lan lưu ý, còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách còn chậm. Đơn cử, công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài do việc lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan, làm gia tăng chi phí thời gian cho doanh nghiệp, giảm cơ hội thu hút đầu tư. Trong khi đó, công tác dự báo tình hình, khảo sát, đánh giá thực trạng về những hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp chưa được quan tâm. Hằng năm số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng thuộc ngành nghề nào, quy mô doanh nghiệp nào, nguyên nhân chính là gì… đều chưa có dữ liệu phân tích cụ thể, làm cơ sở để đưa ra những giải pháp thuyết phục.
Cải cách thủ tục hành chính phải “thực chất” hơn
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung đề xuất nhiều giải pháp cần thực hiện trước mắt và lâu dài để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, củng cố nội lực bởi qua đó còn giúp thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội.
ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định) lưu ý, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột Nga – Ukraine, cũng như xung đột ở khu vực Trung Đông chưa có hồi kết, là nguyên nhân gây áp lực lên giá năng lượng. Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đang có những thách thức và sẽ là trở ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Do vậy, đại biểu đề nghị phải có những chính sách mạnh mẽ hơn đến từ chính sách tài khóa.
So sánh về khả năng áp dụng của các chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Thị Quỳnh nêu vấn đề: dù các giải pháp mạnh mẽ được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai trong thời gian qua đã giúp lãi suất cho vay được giảm khá tốt, song đà giảm hiện tại có dấu hiệu chững lại và sẽ có khả năng tăng lên.
"Như vậy, chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng được hơn nữa, mà thay vào đó sẽ chặt chẽ, chắc chắn hơn để đề phòng áp lực tỷ giá và lạm phát quay trở lại". Do đó, đại biểu Trần Thị Quỳnh đề nghị, cần có những chính sách ngành và các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ trực tiếp các nhóm ngành nghề như dệt may và các sản phẩm quan trọng, trọng yếu của nền kinh tế mà không gây nên áp lực tăng giá (lương thực, giáo dục và y tế). Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại những khoản vay cũ chịu lãi suất cao của các doanh nghiệp vẫn phải chịu dẫn đến khó khăn, làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp.
“Trong những năm đại dịch Covid -19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách. Đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa. Chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, đại biểu Trần Thị Quỳnh đề xuất.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, công tác cải cách thủ tục hành chính ở Trung ương cũng như địa phương cần được thực hiện “thực chất” hơn nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Theo đó, tăng cường số hóa để bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định; có cơ chế pháp lý rõ ràng, bảo đảm tránh những rủi ro; tăng cường trách nhiệm cho cả người dân, cán bộ công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc… Bởi, vừa qua, việc đùn đẩy trách nhiệm, giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng đã làm lỡ nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.