Chiêm ngưỡng ngôi đền Xã Tắc nơi địa đầu Tổ quốc
Theo tìm hiểu, đền Xã Tắc được xây dựng dưới thời nhà Trần, trong khoảng từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV. Thời kỳ đầu, ngôi đền tọa lạc bên bờ sông Thác Mang, gồm 3 gian nhà rộng lớn, mái lợp ngói âm dương và đều hướng về phía Nam. Sau trận bão lớn vào đầu thế kỷ XX, đền bị sạt lở nặng nên được người dân di dời vào khu vực Xoáy Nguồn. Đền Xã Tắc được người dân coi là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm 2005, đền được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Năm 2009, được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Ninh, đền Xã Tắc đã được phục hồi và trở nên khang trang, quy mô hơn. Tổng diện tích khuôn viên của đền là 20.000m2, đền thờ chính có diện tích 308m2.
Ngôi đền cổ lâu đời này được lập nên để thờ Tam vị thánh gồm Xã Tắc Đại Vương (vốn là thành hoàng Châu Móng Cái xưa), Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng và Cao Sơn Đại Vương (Thần chủ về văn hóa nước Đại Việt). Ngoài ra, tại đền còn thờ các vị tổ tiên của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.
Cả 3 pho tượng thần đều được đặt ở chính điện và được làm bằng đồng nguyên khối. Chính giữa là bức tượng Xã Tắc Đại Vương cao 2.2m, hai bên là tượng của Cao Sơn Đại Vương và Hưng Nhượng Đại Vương đều có độ cao là 1.8m.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đền Xã Tắc vẫn được nhân dân tôn kính, thờ phụng như một nét tín ngưỡng, văn hóa linh thiêng. Không chỉ mang ý nghĩa thờ thần của làng, đền đã được người dân địa phương coi là nơi thờ thần của non sông, trời đất.
Bà Phạm Thị Oanh, trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái cho biết: “Di tích đền Xã Tắc đã được thành phố đưa vào danh sách những điểm du lịch nổi bật và đang được khai thác một cách hiệu quả. Mỗi năm, tại đây diễn ra nhiều lễ hội lớn, thu hút hàng vạn khách du lịch đến thăm quan và khám phá vẻ đẹp lịch sử, văn hóa và tâm linh tại đây”.
Nằm ở vị trí địa đầu của Tổ Quốc, đền Xã Tắc từng là nơi ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử, đền không chỉ là một địa điểm du lịch, mà còn là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc và sự gìn giữ bền vững của văn hóa tâm linh. Với việc được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, Đền Xã Tắc tiếp tục là một trong những "cột mốc văn hóa" quan trọng, khẳng định chủ quyền và nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam tại biên giới phía Bắc.