Tham gia Đoàn khảo sát có Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Về phía tỉnh Quảng Bình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng...
Đánh giá toàn diện, trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 40 năm qua, bên cạnh những thành tựu, tích cực là mặt cơ bản, vẫn còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước.
Theo đó, việc tổng kết là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, cần thiết, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đánh giá về địa phương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, các tiềm năng, lợi thế, thành tựu nổi bật và vai trò quan trọng của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội miền Trung, cả nước và hội nhập quốc tế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã đạt được những thành tựu ấn tượng, thể hiện tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá. Trong xu thế hội nhập, với cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, tỉnh Quảng Bình ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về nội dung tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, việc tổng kết phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khoa học, biện chứng, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật. Tổng kết phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; bảo đảm dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, khơi dậy và lan tỏa được ý chí và khát vọng của Đảng và nhân dân ta về xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Nội dung tổng kết đi sâu nghiên cứu, đánh giá giai đoạn 10 năm gần đây; chú trọng phân tích, dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước giai đoạn đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm tính kế thừa, phát triển, tổng kết thực tiễn ở địa phương kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, giữa khảo sát thực tế với tổng hợp, khái quát lý luận; cần đưa ra các kết luận để khẳng định, làm cơ sở cho việc hoàn thiện lý luận, xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng.
Tăng trưởng bình quân 7,9% trong thời kỳ 1991 - 2023
Trên những định hướng, gợi mở của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Báo cáo tóm tắt một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã đánh giá khái quát, toàn diện những thành tựu nổi bật, tồn tại, vướng mắc.
Về phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các loại thị trường, Quảng Bình đã tạo được môi trường thuận lợi, an toàn và minh bạch, phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên.
Kinh tế tập thể từng bước được củng cố, kinh tế trang trại phát triển ngày càng hiệu quả. Kinh tế tư nhân phát triển khá nhanh, toàn tỉnh có 2.700 doanh nghiệp, tăng 1.800 doanh nghiệp so năm 2005.
Tỉnh đã tạo điều kiện, môi trường bình đẳng để các thành phần kinh tế phát triển, trở thành động lực của nền kinh tế. Từ đầu năm 2021 đến nay, có thêm 1.627 doanh nghiệp được thành lập, nâng tổng số lên hơn 8.800 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 20.180 tỷ đồng. Tỉnh cũng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, đã mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đưa Quảng Bình từ một tỉnh nghèo trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện.
Tính chung thời kỳ 1991 - 2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,9%. Tỉnh cũng đã từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng; thực hiện 3 đột phá chiến lược và các mô hình, phương thức phát triển mới. Bên cạnh đó, tỉnh đã song song đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm công bằng xã hội.
Phía Đoàn khảo sát sau khi nghe báo cáo cũng đã gợi mở một số vấn đề và nội dung đề nghị tỉnh làm rõ, đặc biệt là những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: tỉnh xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh, luôn quan tâm vấn đề môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.
Tỉnh đã đưa ra các định hướng phát triển và thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… đối với các dự án của tỉnh và những dự án trọng điểm của quốc gia trên địa bàn; chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự quan tâm đầu tư, kỳ vọng vào sự phát triển của các khu kinh tế trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển các thị trường.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong rào cản về cơ chế và mong muốn được Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định tính cơ bản và thống nhất của KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa với nội dung lý luận sáng tạo của Đảng, thực tiễn sống động, hiệu quả, mang lại những giá trị lớn lao cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đang từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Đây là “kim chỉ nam” của những thành tựu đất nước nói chung và Quảng Bình nói riêng đã đạt được.
Đoàn công tác ghi nhận những ý kiến của tỉnh, làm luận cứ phục vụ yêu cầu của Ban Chỉ đạo và nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thực tiễn, bảo đảm sự hài hòa của KTTT theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới.