Trong 5 ngày lễ hội (12-16.7) sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, như: Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 (diễn ra từ 20h đến 21h30 ngày 12.7).
Sự kiện sẽ giới thiệu 100 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền với khu tiểu cảnh trang trí sự kiện; khu ẩm thực vùng miền; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản về sen.
Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 còn diễn ra các hoạt động: Hội thảo Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, Triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình khảo sát - hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”; Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”…
Ban tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 cũng cho biết, trong khuôn khổ lễ hội, dự kiến sẽ xác lập 2 kỷ lục: Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” - Ngày hội đạp xe quanh Hồ Tây có số lượng người tham gia nhiều nhất Việt Nam (7.000 người) thuộc sở hữu của UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và Sự kiện có số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen nhiều nhất Việt Nam (1.000 người), thuộc đồng sở hữu của UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội và Câu lạc bộ Di sản áo dài thành phố Hà Nội. Sự kiện có số lượng người mặc áo dài họa tiết hoa sen diễu hành quanh Hồ Tây nhiều nhất Việt Nam.
Đáng chú ý, tại Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật sẽ ra mắt bức tranh kính chân dung Bác Hồ. Bức tranh có kích thước 1,7mx2,5m, chất liệu kính cường lực dày 2cm, được ghép từ 1.944 tấm ảnh hoa sen chụp từ các vùng miền.
Tác phẩm trên, sau khi được trưng bày tại Không gian Văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ được Ban Tổ chức trao tặng cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để phục vụ Nhân dân và du khách quốc tế.
Bày tỏ ấn tượng về nỗ lực tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đưa ra một số gợi ý trong việc quảng bá thương hiệu sen Tây Hồ cũng như hình ảnh của Hà Nội, của Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.
Ông Sơn cho biết: "Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và đây là hoạt động đóng góp tích cực nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô, của Tây Hồ, làm gia tăng giá trị của sen trong đời sống.
Cùng với Lễ hội Sen Hà Nội sắp tới, quận Tây Hồ sẽ phối hợp Sở Du lịch Hà Nội khai thác thêm giá trị mới từ sen, xây dựng tour, tuyến mới để phát triển sản phẩm du lịch gắn với đề án phát triển du lịch bền vững trên địa bàn quận.
Điểm nhấn lần này, Sở Du lịch Hà Nội mời các tỉnh có vùng trồng sen tham gia để trưng bày quảng bá các sản phẩm sen. Ngoài sản phẩm OCOP còn có nhiều sản phẩm từ sen và lấy ý tưởng từ sen. Đến nay đã có gần 200 doanh nghiệp, cơ sở ở Hà Nội và các tỉnh đăng ký tham gia sự kiện này.
Đánh giá về tác dụng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc biệt là những sản phẩm từ sen thông qua Lễ hội Sen sắp được tổ chức, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội thông tin: Từ năm 2022 đến nay, Sở NN và PTNT Hà Nội đã liên kết với 62 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm phục vụ cho trên 10 triệu dân Thủ đô và du khách đến Hà Nội.
Hà Nội với vị thế là Thủ đô nên có lợi thế tập trung rất đông các nhà khoa học để hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Hà Nội cũng có trên 1.400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến; hơn 1.350 làng nghề và làng nghề truyền thống… Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm OCOP và trên thực tế, Hà Nội đã có 2.723 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước. Trong đó, sản phẩm khăn lụa tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.