Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam ôn lại thời điểm lịch sử 50 năm về trước, khi chiến dịch Xuân - Hè 1972 ở mặt trận Trị -Thiên giành thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27.1.1973, nhằm tạo vị thế mới trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn huyện Cam Lộ làm nơi đặt trụ sở.
Trụ sở mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Quảng Trị, là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, nối liền với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vùng giải phóng hạ Lào rộng lớn; có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và Đường 9. Đây là địa bàn thuận lợi để Chính phủ triển khai toàn diện các hoạt động lãnh đạo trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động ngoại giao.
Trong 2 năm (1973-1975), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đón 49 đoàn khách quốc tế và đại sứ các nước đến trình quốc thư, đặc biệt là sự kiện đón tiếp lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Goerges Marchais… đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm hữu nghị, dự hội nghị quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn năm châu...
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, cách đây 50 năm, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chuyển trụ sở từ Tây Ninh ra vùng giải phóng Quảng Trị. Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Trị -lũy thép của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam, nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, “túi bom, chảo lửa”, gồng mình gánh bao mưa bom, bão đạn,nơi biết bao người con trên mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc ta, đất nước ta.
“Ngày 1.5.1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, đã xóa đi giới tuyến chia cắt đất nước, nối liền với khu căn cứ cách mạng các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và vùng giải phóng Hạ Lào. Quảng Trị trở thành địa bàn quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt Trụ sở tại huyện Cam Lộ để tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam được thuận lợi hơn. Đây là quyết định mang tầm chiến lược của Đảng ta,” Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu.
Đầu năm 1973, quân và dân Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các đơn vị, khẩn trương triển khai xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với quyết tâm cao nhất, chỉ chưa đầy 01 tháng, Trụ sở đã hoàn thành vào ngày 30.5.1973.
Việc chuyển Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quảng Trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nâng cao giá trị biểu tượng của ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước; đồng thời, phát huy vai trò của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tăng cường vị thế chính trị trên trường quốc tế, đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng miền Nam Việt Nam.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khẳng định đậm nét vai trò chính trị của mình trên trường quốc tế, có những đóng góp rất quan trọng, cùng quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn và Tổng tuyển cử thống nhất 2 miền Nam Bắc.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, hướng về tương lai, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, quá khứ vinh quang, coi đây là động lực để Quảng Trị bứt phá, vươn lên, phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với công lao, sự hy sinh xương máu của các bậc tiền nhân và các thế hệ cha anh.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Trị tiếp tục chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; thực hiện tốt việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thay mặt cả nước chăm sóc chu đáo cho hàng vạn phần mộ liệt sĩ là con em của các địa phương trong cả nước; đẩy mạnh rà phá bom mìn, xử lý đất nhiễm độc, khắc phục hậu quả chiến tranh,…
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước với tình cảm, sự sẻ chia sâu sắc và ý thức trách nhiệm trước những hy sinh, mất mát to lớn của quân và dân Quảng Trị trong chiến tranh, tiếp tục cổ vũ, hỗ trợ, đầu tư; tích cực ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, để “Quảng Trị mình cất cánh vút bay” như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Hoàn và có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng đoàn công tác Trung ương đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Thành Cổ Quảng Trị; Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Dâng hoa, dâng hương ở các nghĩa trang, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn và biết ơn sâu sắc đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.