Tham dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, Đảng đoàn Quốc hội đã luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao… Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong lề lối làm việc, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Để tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Đảng đoàn Quốc hội trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV và các nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng đoàn Quốc hội đã đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng và đã ban hành Quyết định số 730-QĐ/ĐĐQH15 ngày 15.6.2022 thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là Đề án hết sức quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội trong thời gian tới.
Báo cáo một số nội dung về triển khai xây dựng Đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, yêu cầu đặt ra đối với Đề án là bám sát các quan điểm, đường lối, Nghị quyết của Đảng về tổ chức và hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội. Đề án được xây dựng phải gắn với bối cảnh thực tiễn, đặt trong sự đổi mới chung của hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bám sát tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và việc sửa đổi Quy định số 172-QĐ/TW ngày 7.3.2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự Đảng ở Trung ương, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội…
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo Đề án đã tập trung thảo luận sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo của việc xây dựng Đề án; nội dung nghiên cứu, bố cục của Đề án; công việc, tiến độ cần triển khai; phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận tinh thần khẩn trương, tích cực của Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập trong thời gian ngắn, ngay sau khi Đảng đoàn Quốc hội ban hành QĐ số 730-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án ngày 14.6.2022 và Quyết định số 775-QĐ/BCĐ thành lập Tổ biên tập xây dựng Đề án ngày 5.7.2022, đến nay các công việc được triển khai cơ bản bảo đảm quy trình, thủ tục.
Lưu ý thời gian từ nay đến cuối năm 2022 không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc rất lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập nỗ lực phấn đấu trình Đảng đoàn Quốc hội dự thảo Đề án vào cuối tháng 12.2022.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, ngay sau phiên họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện dự thảo các văn bản để ký ban hành; hoàn thiện Đề cương chi tiết trình xin ý kiến Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước khi triển khai xây dựng Đề án; đồng thời, tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo triển khai các công việc theo kế hoạch, bảo đảm tiến độ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, các bước tiến hành xây dựng Đề án cần có sự phối hợp và cơ chế họp linh hoạt, hiệu quả; nêu cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập, trách nhiệm của các đơn vị được giao chuẩn bị báo cáo tổng kết liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; cơ chế tổng hợp, thông tin, báo cáo, giải trình những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần được thực hiện thường xuyên.