Tham gia thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi) về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là dự luật rất đặc thù, bởi lẽ tất cả các thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới đều áp dụng cho công nghiệp quốc phòng cũng như sản xuất, chế tạo vũ khí, phương tiện kỹ thuật.
Cho nên, chủ trương của Đảng ta về phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp thành "ngành công nghiệp hiện đại, là mũi nhọn quốc gia" là hoàn toàn đúng đắn. Nhấn mạnh quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật là tạo hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp, nhưng không làm lộ, lọt bí mật quân sự, an ninh, bí mật nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng dự luật "vừa cấp bách, vừa lâu dài", tức là vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện nay, nhưng cũng phải tính đến dài hạn; chú trọng tự lực, tự cường nhưng cũng phải lưỡng dụng, nghĩa là không chỉ có ngành quốc phòng - an ninh làm, mà phải có sự tham gia của các thành phần khác - vậy ở đây chiều "lưỡng dụng ra" thế nào và "lưỡng dụng vào" thế nào?
Đặt vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích: “Lưỡng dụng ra” là vừa sản xuất quốc phòng và các sản phẩm quốc phòng có thể cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội; còn “lưỡng dụng vào”, thì doanh nghiệp dân sinh tham gia vào quy trình sản xuất quốc phòng, an ninh như thế nào - phải được phân biệt rất rạch ròi. Vì vậy, việc quy định động viên công nghiệp trong dự thảo Luật chính là để giải quyết “lưỡng dụng vào”, phải có chính sách để phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ dây chuyền, sản xuất… Bình thường có thể làm sản phẩm dân sinh, nhưng khi có yêu cầu động viên thì vẫn sản xuất được cho quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thực tiễn hoạt động động viên công nghiệp trong nhiều năm qua cho thấy, được giao nhiệm vụ và đặt hàng, nhưng nhiều dây chuyền sản xuất, nhiều công nghệ chỉ được thời gian đầu, sau đó vì nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau, doanh nghiệp lại không phát triển nữa, dẫn đến nhiều dây chuyền sản xuất không được phát huy, một số cơ sở công nghiệp bị mai một về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng sản phẩm… Và, "việc lồng ghép động viên công nghiệp vào công nghiệp quốc phòng, an ninh chính chính là để thực hiện “lưỡng dụng vào”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong dự thảo Luật lần này có quy định hướng tới hội nhập quốc tế, nhưng phải tự chủ và lấy nội lực là chủ yếu.
Đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, là ngành công nghiệp có tính chất rủi ro cao - không chỉ rủi ro trong sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, liên quan đến sinh mạng và có cả rủi ro khoa học khác, như có thể 10 nghiên cứu nhưng chưa ra được một sản phẩm; hay rủi ro ở khâu chế tạo, thử nghiệm... Vấn đề đặt ra là thiết kế chính sách như thế nào cho phù hợp cũng cần được cân nhắc, tính toán kỹ.
Cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ các chính sách ưu tiên cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, mà chủ yếu còn mang tính chất "đường lối", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần thiết kế lại chính sách ưu tiên. Theo đó, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh như thế nào; chính sách củng cố, tổ chức sắp xếp lại các tổ chức công nghiệp quốc phòng, an ninh, chính sách động viên công nghiệp ra sao… để thể hiện rõ hơn tính chất "ưu tiên" này.