Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng; đại diện Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Quân khu 2.
Báo cáo của Quân khu 2 cho thấy, về công tác công nghiệp quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đã quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” (nay là Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26.1.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo")…
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh thường xuyên phối hợp với với các cơ quan chức năng, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về công tác xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng…
Về động viên công nghiệp, thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 25.2.2003, trong những năm qua Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu đã quán triệt, triển khai thực hiện đạt được một số kết quả. Đó là, đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn. Thông qua công tác kiểm tra đánh giá tiềm lực về công nghiệp, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp để phục vụ cho nhiệm vụ động viên công nghiệp trên địa bàn Quân khu…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: công tác phối hợp với cơ quan quân sự khi triển khai nhiệm vụ khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn chưa chặt chẽ. Trên địa bàn Quân khu, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là vừa và nhỏ, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, sản xuất thiếu ổn định, khả năng đầu tư phát triển còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn, có trình độ công nghiệp cao nhưng lại là doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh nước ngoài, có yếu tố nước ngoài... không thuộc đối tượng động viên công nghiệp…
Quân khu 2 kiến nghị, cần kịp thời ban hành các nghị định, thông tư, hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất khi Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được ban hành; có cơ chế, chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp và đội ngũ công nhân kỹ thuật. Lựa chọn đầu tư các dây chuyền động viên công nghiệp phù hợp; bảo đảm tính cân đối, phát huy tối đa tiềm lực quốc phòng của từng địa bàn và trên phạm vi cả nước. Hàng năm bố trí ngân sách, giao chỉ tiêu sản phẩm để duy trì năng lực sản xuất của các dây truyền động viên công nghiệp và nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ công nhân kỹ thuật…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; công tác Đảng - công tác chính trị; bảo đảm quân số, vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự và lực lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu cao. Đồng thời, tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu qua thiên tai, giúp đỡ người dân vùng khó khăn; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và hoạt động tình nghĩa…
Cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã nêu ra trong năm 2024 và những nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, thực hành tốt nhiệm vụ động viên công nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng luôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng.
Nhấn mạnh, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp dành được sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo Luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý trước khi hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy. Do đó, đề nghị, Quân khu 2 cần tập trung bám sát chức năng, nhiệm vụ, căn cứ kết quả, kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp theo đúng chủ trương, quan điểm của Đảng đã đề ra.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đóng góp, đề xuất ý kiến để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, độc lập, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của ngành công nghiệp; vừa có tính đặc thù, vừa có tính vượt trội song phải bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan xuất phát từ thực tiễn hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
+ Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí minh tại Quân khu 2.