Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rất kiên quyết, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, Bộ đã thường xuyên theo dõi, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước để xác định số dự án chậm tiến độ, vi phạm về thủ tục đầu tư, dự án thất thoát, lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 trên phạm vi cả nước. Cụ thể, số dự án chậm tiến độ năm 2016 là 1.448 dự án; năm 2017 là 1.609 dự án; năm 2018 là 1.778 dự án; 2019 là 1.878 dự án; năm 2020 là 1.867 dự án; năm 2021 là 1.921 dự án (trung bình chiếm khoảng 3% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ). Số dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, năm 2016 là 27 dự án; năm 2017 là 225 dự án; năm 2018 là 25 dự án; năm 2019 là 18 dự án; năm 2020 là 51 dự án; năm 2021 là 17 dự án (chiếm khoảng 0,03 – 0,43% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ). Số dự án có thất thoát, lãng phí: năm 2016 là 590 dự án; năm 2017 là 840 dự án; năm 2018 là 422 dự án; năm 2019 là 125 dự án; năm 2020 là 923 dự án; năm 2021 là 342 dự án.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định đã tăng cả quy mô và tốc độ. Đầu tư công đã phát huy vai trò tích cực trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dưới tác động của dịch Covid – 19, thực sự là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế… Tuy nhiên, công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án đầu tư công vẫn chưa được một số bộ, địa phương quan tâm đúng mức, chất lượng còn thấp, phê duyệt mang tính hình thức. Công tác chuẩn bị thủ tục để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho dự án tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn thiếu chủ động, nhiều dự án chuyển tiếp đã quá thời gian quy định nhưng chưa báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn…
Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2021, đã góp phần khắc phục nhiều tồn tại hạn chế của giai đoạn trước, như dàn trải, dở dang, lãng phí ở hàng nghìn dự án. Nhiều chính sách do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng, quản lý đã phát huy hiệu quả tốt, kỷ luật tài chính trong đầu tư công được thắt chặt, số lượng dự án nợ đọng xây dựng cơ bản giảm.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng lưu ý, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 còn khó khăn, một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 26 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thành công. Quá trình thực hiện định hướng “đẩy nhanh tiến độ tại các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm” tại một số bộ chủ quản chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả vốn đầu tư. Một số dự án BOT giao thông còn bất cập, gây phản ứng trong nhân dân, gây ách tắc giao thông, lãng phí thời gian, chi phí của nhà đầu tư, nhân dân nhưng vẫn chậm xử lý dứt điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, không né tránh trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuẩn bị báo cáo rất công phu với hệ thống phụ lục, bảng biểu đầy đủ. Tuy nhiên, Bộ cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng trong lĩnh vực cụ thể, như đầu tư công cần chỉ ra ưu, nhược điểm, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, sửa đổi luật nào, sửa ở đâu; chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm, nơi nào làm tốt, nơi nào còn khuyết điểm; đánh giá sự đột phá trong sửa đổi Luật Đầu tư công, việc triển khai đầu tư công trung hạn đã mang lại hiệu quả gì cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, làm rõ sự thay đổi trong các con số về dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư. Tại sao năm 2016 chỉ có 27 dự án vi phạm, nhưng đến năm 2017 lại tăng đột biến lên đến 225 dự án? Tại sao số dự án thất thoát lãng phí năm 2016 là 590, đến năm 2017 đã tăng lên tới 840 dự án và năm 2020 con số lên tới 923 dự án? Phải chăng do thanh tra, kiểm tra được tăng cường nên phát hiện sai phạm nhiều hơn? Bên cạnh đó, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra đấu thầu, mua sắm đã góp phần tiết kiệm hàng năm trung bình 6,1%, nhưng đây có đúng là tiết kiệm hay thực chất là hiệu quả của đấu thầu?
Ghi nhận giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đấu thầu, mua sắm đã giúp tỷ lệ tiết kiệm hàng năm trung bình là 6,1%, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc đấu thầu qua mạng đã bước đầu mang lại hiệu quả, công khai hơn, minh bạch hơn, tránh được tình trạng lợi ích nhóm. Việc giải ngân vốn chậm tiến độ đã được khắc phục, bước đầu khai thác hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Song Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tới đây nên xem xét giám sát đầu tư công đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, đây là lĩnh vực còn bị “bỏ ngỏ”, từ đó xác định xem cân đối vốn của địa phương có đúng cam kết không, khắc phục tư duy nhiệm kỳ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, cùng với sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong nội bộ Bộ và trong lĩnh vực mà Bộ phụ trách.