Tham gia cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn giám sát Dương Thanh Bình.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám nêu rõ, huyện Đông Anh đã huy động được 303.073 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch. Nguồn lực chi cho công tác phòng, chống dịch là 266.470 triệu đồng. Trong đó, chi 246.264 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và 20.206 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Huyện đã thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 thông qua các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất là 280.664 triệu đồng; hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp là 125.744 triệu đồng.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện cũng thường xuyên được quan tâm, cải thiện. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chú trọng, sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh. Các chương trình, mục tiêu y tế - dân số được duy trì triển khai thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra; chế độ chính sách về y tế được thực hiện theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cũng cho biết, việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 tại một số đơn vị chưa bảo đảm kịp thời trong vòng 2 ngày khi có Quyết định phê duyệt. Mạng lưới y tế thôn là cánh tay nối dài của Trạm y tế, hiện đang hưởng phụ cấp 0,3 do ngân sách địa phương bảo đảm theo Quyết định số 75/2009/QĐ – TTg việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, không được đóng bảo hiểm y tế, nên rất khó khăn trong việc huy động, khuyến khích lực lượng kế cận đội ngũ y tế thôn hiện tại. Tại trung tâm y tế, nhiệm vụ về y tế dự phòng là chính, nguồn thu hạn chế, mức thu nhập của nhân viên y tế chưa tương xứng với khối lượng công việc.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao huyện Đông Anh đã dành nguồn lực đầu tư khá lớn cho y tế dự phòng, đạt 61%. Bên cạnh đó, Đoàn cũng yêu cầu báo cáo rõ hơn về những khó khăn khi chỉ tiêu biên chế từ năm 2018 đến nay chưa đạt, số bác sỹ luôn thiếu từ 10 – 16 bác sỹ; nguyên nhân căn bản thiếu hụt nhân lực làm y tế dự phòng.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, huyện Đông Anh nói riêng và TP. Hà Nội nói chung là hình mẫu cho phòng, chống dịch. Huyện đã thực hiện phòng, chống dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động được sự tham gia, tự giác của người dân với mô hình “cụm dân cư an toàn phòng, chống dịch Covid -19”. Các cơ sở y tế đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án phân tầng, phân tuyến điều trị bệnh nhân. Huyện cũng đã huy động ngân sách lên đến 75% để phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc việc thanh toán, quyết toán và thanh tra, kiểm tra các nguồn lực phòng, chống dịch Covid - 19; huy động nguồn lực xã hội hóa cho phòng, chống dịch cũng rất tốt. Đối với trang thiết bị, vật tư còn dư sau phòng, chống dịch, huyện Đông Anh đã bàn giao cho các trường học, trạm y tế sử dụng, không để thất thoát, lãng phí.
Một trong những vướng mắc của huyện Đông Anh là không tuyển dụng được bác sỹ về làm việc tại các trạm y tế xã, do chưa có Hội đồng tuyển dụng; thậm chí huyện đề xuất sáng kiến, ký hợp đồng làm thêm với bác sỹ đã nghỉ hưu đã giải quyết vấn đề này. Ghi nhận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong chiều nay khi làm việc với UBND TP. Hà Nội, Đoàn giám sát sẽ trao đổi để tháo gỡ vướng mắc này.
Đối với những kiến nghị của huyện về cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút bác sỹ nói riêng, nhân lực y tế về công tác tại các tuyến y tế cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ xem xét đưa vào Báo cáo kết quả giám sát.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Đoàn đã khảo sát thực tế tại Trạm y tế xã Liên Hà; làm việc với UBND xã Liên Hà, huyện Đông Anh.