Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế…
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, thời gian qua Ủy ban Kinh tế đã hoạt động tích cực, trách nhiệm, hiệu quả để lại dấu ấn trong kết quả hoạt động của Quốc hội, nhất là tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV.
Các nội dung được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đều do Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra, như gói chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội… có những nội dung phức tạp, tưởng chừng như không thông qua được nhưng với sự phối hợp chặt chẽ, bàn bạc kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua với sự đồng thuận cao, có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.
Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội xem xét thông qua nhiều dự án quan trọng quốc gia với 5 dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, có tác động lan tỏa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động giám sát của Ủy ban cũng đạt kết quả tích cực, trong đó giám sát về công tác quy hoạch của Ủy ban được các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đánh giá cao. Cùng với đó, các dự án Luật trình Quốc hội do Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra đều được thực hiện khoa học, cầu thị, lấy ý sâu rộng các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, nhà khoa học…
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, có được kết quả hoạt động tích cực như vậy là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung cao độ từ sớm, từ xa, phối hợp tích cực chặt chẽ với các cơ quan hữu quan. Nhấn mạnh trong thời gian tới nhiệm vụ, công tác của Ủy ban Kinh tế là rất nặng nề, trong đó có nhiệm vụ chủ trì thẩm tra các dự án luật khó và phức tạp, như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; đề nghị các thành viên Ủy ban Kinh tế làm rõ kế hoạch, tiến độ triển khai nhiệm vụ, trao đổi thẳng thắn để có giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, bảo đảm đúng tiến độ, tốt về chất lượng.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn trình bày báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Ba và dự kiến kế hoạch, tiến độ công việc chuẩn bị một số nội dung trọng tâm của Thường trực Ủy ban Kinh tế đến Kỳ họp thứ Tư sắp tới. Trong đó nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Ba, khối lượng công việc của Ủy ban Kinh tế là rất lớn với 10 nội dung báo cáo Quốc hội trong đó có 1 luật và 7 nghị quyết, áp lực về tiến độ, đòi hỏi nâng cao chất lượng. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội, sự tích cực của các thành viên Ủy ban, tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, trí tuệ, toàn bộ công việc theo chương trình công tác của Ủy ban Kinh tế đã được hoàn thành.
Các dự thảo báo cáo của Ủy ban Kinh tế chuẩn bị, tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, tinh thần xây dựng, trách nhiệm và có tính phản biện cao, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội.
Về các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến Kỳ họp thứ Tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo kế hoạch, Ủy ban sẽ tập trung hoàn thiện dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua; chuẩn bị thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội lần đầu. Ủy ban Kinh tế cũng sẽ tiến hành giám sát việc thự hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khảo sát tình hình triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội; tham gia cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Báo cáo làm rõ thêm một số nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, khối lượng công việc của Ủy ban Kinh tế và Vụ Kinh tế là rất lớn. Nếu như tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất phần lớn các nội dung đều do Ủy ban Kinh tế chủ trì, thì tại Kỳ họp thứ Ba, có đến 8 trong tổng số 10 nội dung của kỳ họp có sự tham gia của Ủy ban Kinh tế.
Đặc biệt, việc chủ trì thẩm tra chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, mặc dù đây là những dự án lớn, quan trọng nhưng Chính phủ trình sang sát kỳ họp. Để có thể đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định, các thành viên Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Vụ Kinh tế đã phải làm ngày, làm đêm vì sự phát triển chung của đất nước. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế mong muốn tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu sớm được khắc phục.
Ngoài ra, Ủy ban và Vụ phục vụ cho Ủy ban hiện đang gặp khó khăn về biên chế, quy trình, thủ tục tiếp nhận cán bộ, công chức phức tạp, mất nhiều thời gian. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị lãnh đạo Quốc hội quan tâm đến biên chế cán bộ, công chức làm việc tại vụ phục vụ hoạt động của Ủy ban cũng như chế độ chính sách, nhà ở cho đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng trao đổi với Thường trực Ủy ban Kinh tế về một số lưu ý trong triển khai nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên. Đánh giá cao việc Ủy ban Kinh tế đã xây dựng kế hoạch triển khai công việc một cách cụ thế, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc lựa chọn chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế cuối năm; xây dựng lộ trình kế hoạch đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Chính phủ, tập trung giải quyết vướng mắc phát sinh, lọc ra những vấn đề thực tiễn yêu cầu Chính phủ báo cáo; sớm chuẩn bị báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục tập trung trong công tác lập pháp; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là tham vấn, tư vấn về các vấn đề kinh tế vĩ mô; lựa chọn chuyên đề giám sát phù hợp…
Khẳng định sẽ luôn theo dõi, đồng hành cùng hoạt động của Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phát huy thành tích đạt được, kế thừa phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, trách nhiệm cao, tham mưu sắc bén, rõ quan điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, góp phần vào thành công chung của Quốc hội.