Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì tọa đàm. Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện lãnh đạo UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Bình…
Khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Năm tới và theo chương trình sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.
Quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội, các giai tầng, các lĩnh vực. Do vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, phát huy tinh thần chủ động, chuẩn bị từ sớm từ xa đối với dự luật đặc biệt quan trọng này, Toạ đàm do Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất.
"Nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất thì những vấn đề khác của Luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư…", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đồng thời mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng đang thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp ý kiến, tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để hoàn thiện các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhất trí với nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế về ý nghĩa quan trọng của các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu tham dự Toạ đàm cũng nêu thực tế, định giá đất sát với thị trường luôn là yêu cầu được đặt ra khi xây dựng pháp luật về đất đai, nhưng cũng là vấn đề không hề đơn giản.
Từ kinh nghiệm của các nước, cũng như từ thực tiễn hoạt động định giá đất của nước ta, một số chuyên gia nhấn mạnh, để công tác định giá đất sát với giá thị trường cần bảo đảm 5 yếu tố: cơ sở pháp lý minh bạch, rõ ràng, tuân thủ đúng quy luật sự hình thành và vận động của giá cả trong nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế; đội ngũ cán bộ thực thi có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp; cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho công tác định giá có độ tin cậy, chuẩn xác; có sự giám sát, thanh tra, kiểm tra đầy đủ; có chế tài xử phạt nghiêm minh. Nếu một trong 5 yếu tố này không đáp ứng được thì công tác định giá đất cũng khó đạt mục tiêu.
Các đại biểu dự Tọa đàm cơ bản đồng tình với bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1.1 của năm; Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn định giá tài sản; mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất; đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình định giá đất ở địa phương một các thường xuyên, chuyên nghiệp, thanh tra đột xuất trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm.
Một số ý kiến cho rằng, quy định về Hội đồng thẩm định và tổ chức tư vấn về giá đất trong dự thảo Luật chưa bảo đảm độc lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương. Cụ thể, thành phần Hội đồng thẩm định giá được quy đinh tại dự thảo Luật có cơ cấu như mặt trận, với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan, ban hành... Theo các đại biểu, Hội đồng thẩm định giá cần được quy định với tổ chức, thành phần như một quan chuyên môn độc lập, hoạt động theo nguyên tắc độc lập, khách quan, trung thực và chính xác.
Với 12 ý kiến phát biểu trực tiếp, 2 báo cáo đề dẫn được chuẩn bị công phu, đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các quy định về tài chính đất đai, giá đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tọa đàm đã có cho nhiều gợi ý rất hữu ích đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổ chức thêm các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các chủ đề khác của dự án Luật Đất đai (sửa đổi); mong nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.