Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát...
Về phía TP. Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; đại diện Thường trực HĐND thành phố, các sở, ngành…
Thay mặt UBND thành phố Hà Nội báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Thành phố đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt hoàn thành khối lượng lớn công việc, xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện, cơ bản phù hợp với tình hình triển khai thực tế. Giải ngân các chính sách thuộc Chương trình cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, một số chính sách đạt kết quả giải ngân cao, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
Trong thực hiện các chính sách tài khóa, năm 2022 có 110.537 đối tượng và hộ cá nhân kinh doanh được giảm thuế giá trị gia tăng với tổng số thuế được giảm là 28.845 tỷ đồng. Năm 2023, có 2.081 đối tượng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được giảm thuế giá trị gia tăng với số tiền 5 tỷ đồng; 82.692 tổ chức, doanh nghiệp được giảm thuế với số tiền là 12.856 tỷ đồng.
Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, trong 2 năm triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, trên toàn thành phố đã có trên 7.345 lượt khách hàng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, đã hỗ trợ 6.812 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 7.000 lao động; hỗ trợ 202 lượt khách hàng vay vốn để mua nhà ở xã hội, xây mới, sửa chữa nhà để ở...
Về thực hiện dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố kiến nghị, Quốc hội sớm xem xét cho phép tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện; tách nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong dự án hợp tác đầu tư công - tư (PPP) thành một tiểu dự án; cơ quan có thẩm quyền được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt; cho phép các nhà thầu thi công khác trong cùng dự án được tự động khai thác phần khối lượng còn lại của mỏ vật liệu đang áp dụng cơ chế đặc thù, không phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác như thông thường.
Thành phố cũng kiến nghị, Chính phủ chấp thuận cho phép trong quá trình phê duyệt điều chỉnh dự án được phép điều chỉnh tăng/giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án và không làm tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận thành phố đã chuẩn bị báo cáo với các số liệu, hệ thống phụ lục, biểu, bảng cung cấp nhiều thông tin cho Đoàn giám sát, Đồng thời, đề nghị, thành phố báo cáo thêm về những đổi mới, cách làm hay trong triển khai các nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là kinh nghiệm phân cấp trong thực hiện giải phóng mặt bằng tiến hành các dự án đầu tư phát triển, dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn thành phố; bổ sung dữ liệu, số liệu về triển khai chính sách miễn giảm thuế, cập nhật chính xác số liệu thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường; lý giải nguyên nhân thành phố chưa triển khai một số chính sách và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách…
Giải trình với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Hà Nội sẽ hoàn thiện báo cáo, đánh giá sâu sắc, toàn diện về việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố.
“Một số chính sách được Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định rất tốt, tạo sự hỗ trợ hữu hiệu cho người dân nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trước ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19. Tuy nhiên, Hà Nội có một số đặc thù, thành phố đã triển khai hỗ trợ cho các đối tượng này từ trước đại dịch nên không triển khai thực hiện một số chính sách, giải ngân một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trong 2 năm vừa qua”, Chủ tịch UBND thành phố nói.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả Hà Nội đạt được trong thực hiện hai nghị quyết, qua đó đưa thành phố vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân; ghi nhận những thông tin về khó khăn, vướng mắc trong triển khai hai nghị quyết trên địa bàn thành phố…
Đối với các kiến nghị của thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát sẽ nghiêm túc nghiên cứu các kiến nghị của Thành phố, báo cáo Quốc hội, như: một số khó khăn, vướng mắc trong việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng; một số nội dung liên quan đến đầu tư dự án PPP; sớm thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo điều kiện cho Thành phố phát triển...
Các kiến nghị khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu và thể hiện phù hợp trong Báo cáo kết quả giám sát, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến các quy định về Chương trình tín dụng ưu đãi, cho vay giải quyết việc làm và các kiến nghị liên quan đến thực hiện dự án đường vành đai 4...
+ Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại một số điểm thi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội.