- Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với 4 bộ về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì làm việc với UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…
Về phía cơ quan chịu giám sát có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam.
Các cơ chế đặc thù đã phát huy hiệu quả thực tế
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã đưa ra các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới cho nước ta.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP với nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải thuộc nhóm nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng, đề xuất 6 dự án hạ tầng giao thông quan trọng và một số dự án cấp thiết để sử dụng nguồn vốn từ Chương trình.
“Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay hầu hết các dự án đã khởi công, triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả trên thực tế”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nói.
Nêu rõ tác động của các cơ chế đặc thù được Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng cho biết, việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu đã giúp rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đồng thời, song song các thủ tục đầu tư. Việc thực hiện cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khoảng 10 tháng so với quy trình thông thường, các nhà thầu chủ động được nguồn cung.
Về việc thực hiện phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản, Bộ trưởng nhận thấy, các địa phương chủ động huy động hiệu quả nguồn lực của địa phương, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh một số thủ tục đầu tư; đến nay, các dự án thành phần phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Chuẩn bị cho cuộc làm việc với Đoàn giám sát, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia đến năm 2023, nêu rõ vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, xác định giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục.
Báo cáo về dự án Cam Lộ - La Sơn, là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông 2017 - 2020, Bộ trưởng cho biết, dự án đưa vào khai thác từ 31.12.2022 đã đáp ứng nhu cầu vận tải, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, có nguyên nhân chủ yếu do hành vi của người điều khiển phương tiện không tuân thủ quy định. Mặt khác, do xe tải, xe khách sử dụng tuyến này thay Quốc lộ 1 để tránh trạm thu phí, dẫn đến quá tải, nhiều xe đã phải vượt ẩu…
Để khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến pháp luật đến người dân; phân công xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi để mở rộng quy mô 4 làn hoàn chỉnh, sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 để đầu tư.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ được quy định tại khoản 3, Điều 7 Nghị quyết số 43/2022/QH15, 2 cơ quan đã thực hiện 2 kiểm toán chuyên đề, 2 kiểm toán hoạt động; triển khai thanh tra các nội dung có liên quan đến một số dự án quan trọng quốc gia và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao các kết quả đạt được trong triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ; đề nghị, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý điều chỉnh giảm mức vốn của Chương trình đối với dự án phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư so với mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Y tế rà soát, đánh giá lại chủ trương đầu tư của 8 dự án, bảo đảm các dự án này bám sát chính sách đầu tư phát triển y tế nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án sử dụng đối với kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, nhằm phát huy hiệu quả.
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ những đề nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và một số tỉnh, thành phố.
Đối với thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, từ kết quả kiểm toán dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận, một số dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành tuyến chính và đưa vào khai thác sử dụng góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh Nam Trung Bộ, từng bước hoàn thiện hạ tầng đường bộ.
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai các dự án; kiến nghị xử lý tài chính 327,16 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác là 755,06 tỷ đồng.
Có giải pháp sớm đáp ứng vật liệu, cát san lấp mặt bằng cho các dự án
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao các báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã bám sát yêu cầu của của Đoàn giám sát; nghiêm túc, trách nhiệm trong báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Nội dung các báo cáo đã làm rõ nhiều vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, đưa ra nhiều kiến nghị về hoàn thiện chính sách, xử lý trách nhiệm - đây là những căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, từ hoạt động thực tế, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ bổ sung đánh giá về tính tuân thủ pháp luật trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về: thời hạn thực hiện, nghĩa vụ được giao, phân bổ nguồn lực (có đúng trật tự ưu tiên, nguyên tắc phân bổ hay không); các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình có đáp ứng yêu cầu về việc hấp thụ và vận hành ngay vào nền kinh tế hay không; quy định pháp luật nào tạo ra lỗ hổng, sơ hở trong quá trình thực hiện...
Một số ý kiến lưu ý, Bộ Giao thông Vận tải cần chú ý theo dõi, chỉ đạo để bảo đảm quá trình xây dựng một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông nói chung tuân thủ đúng yêu cầu theo các Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm yêu cầu đồng bộ, chất lượng, hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện thu phí không dừng trong khai thác vận hành.
Trước thực tế việc thiếu vật liệu, cát san lấp mặt bằng đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều dự án giao thông đường bộ, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn được Quốc hội giao, Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải sớm xác định giải pháp cung ứng vật liệu, cát san lấp mặt bằng cho các dự án giao thông đường bộ; báo cáo kết quả việc thí điểm sử dụng cát biển để san lấp mặt bằng; làm rõ có hay không tình trạng đầu cơ tăng giá nguyên vật liệu?...
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng và đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã giải trình, làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát nêu ra.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid -19. Một nguồn lực lớn của Chương trình phục hồi và nguồn ngân sách nhà nước đã được dành để đầu tư các dự án quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực giao thông.
Ghi nhận 3 bộ, cơ quan, theo chức năng, nhiệm vụ, đã khẩn trương, nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số vấn đề như, việc phân bổ vốn đầu tư của Chương trình chậm, kéo dài, nhiều lần, danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh. Việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm trễ, không bảo đảm hoàn thành dự án theo thời hạn đề ra tại Nghị quyết 43/2022/QH15, Quốc hội đã phải gia hạn thời gian thực hiện đến 31.12.2024, thực tế hiện nay còn một số dự án chưa được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, việc điều hòa giữa vốn của Chương trình và nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm trễ, chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn; các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khai thác mỏ vật liệu, đất đắp; công tác giải phóng mặt bằng có dự án không đáp ứng tiến độ.
Đối với thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực, trách nhiệm trong khâu tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai, nhiều nội dung công việc đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, qua báo cáo của bộ và ý kiến của thành viên Đoàn giám sát cho thấy, hầu hết các bước trong quy trình đầu tư của nhiều dự án đang thực hiện bị chậm tiến độ; có dự án do chuẩn bị đầu tư chưa tốt nên dự kiến phải bố trí thêm vốn, tăng tổng mức đầu tư; công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu bị kéo dài, có dự án PPP (đường vành đai 4 TP. Hà Nội) khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư...
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và đề xuất của các cơ quan trong quá trình triển khai chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá kỹ hơn hiệu quả, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế đặc thù (chỉ định thầu; khai thác mỏ vật liệu; giao các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh, thành phố)...