Phiếm luận về cái nhan đề

1. “Tác giả nên biến mất sau khi viết xong để khỏi làm phiền bước đi của văn bản” (*). Đó là một câu mà nhà văn, nhà ký hiệu học nổi tiếng người Italy, ông Umbertô Êcô, đã viết trong Lời tái bút cho Tên của đóa hồng (Tên của đóa hồng – một tiểu thuyết của Umbertô Êcô). Câu ấy có ý nghĩa gì? Thì đây, chính Umbertô Êcô đã cho chúng ta một lời chú thích cho nhận xét đó: “Người viết truyện không nên cung cấp những diễn giải cho tác phẩm của mình, nếu không, họ đã không viết tiểu thuyết – một cỗ máy nhằm sản sinh những diễn giải”.

      Không phải bất kỳ một nhà văn nào cũng đồng tình với suy nghĩ như vậy, nhất là những nhà văn luôn ngay ngáy một nỗi lo rằng độc giả không hiểu mình, rằng tác phẩm - đứa con tinh thần của mình - sẽ nhiều nguy cơ phải mang một bộ mặt khác với bộ mặt mà anh ta dự tính sẵn cho nó! Tất nhiên là không ai có quyền bắt họ phải nghĩ khác, một khi họ đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ như thế. Nhưng Umbertô Êcô cũng có cái lý của ông. Là tác giả của tập tiểu luận có tên Tác phẩm mở, Umbertô Êcô chủ trương nhường quyền tạo nghĩa tác phẩm cho độc giả: Chính là từ quá trình đọc văn bản mà mỗi cá nhân độc giả, bằng sự tích lũy văn hóa, bằng vốn sống, bằng gu thẩm mỹ riêng… sẽ có được tác phẩm cụ thể của mình, không phải ai cũng giống ai, và càng không cần thiết phải giống với dự đồ ý nghĩa của chính tác giả. Nhà văn hoàn thành tác phẩm, thế là xong! Anh ta không cần phải nói gì thêm nữa, chuyện còn lại thuộc về người đọc. Vậy thôi!.
      “Nhưng một trong những ngăn trở chính cho việc thực hiện nguyên tắc đạo đức này, chính ở sự thể là một cuốn tiểu thuyết phải có một nhan đề. Một nhan đề, khổ thay, đã là một chìa khóa diễn giải”. Vấn đề nằm ở đây: Cái nhan đề có phải bao giờ cũng là chìa khóa tốt giúp giải mã tác phẩm hay không? Câu trả lời: Có và không.

      2. Có, trong trường hợp mà nhan đề của tác phẩm giống như sự rút gọn đến cùng của toàn bộ nội dung tác phẩm. Hãy cứ tưởng tượng câu chuyện mà nhà văn viết ra là một khối dung dịch. Vậy là, qua bao màng lưới của sự sàng lọc tính toán từ phía tác giả, khối dung dịch ấy keo dần lại, cuối cùng nó sẽ kết tinh trong một cái tên mà tác giả chọn làm nhan đề cho tác phẩm (cũng có không ít trường hợp nhan đề được hình thành ngay từ đầu, như một ý hướng chủ đạo, và toàn bộ tác phẩm được viết theo ý hướng chủ đạo ấy). Hãy tin rằng trên thực tế, không mấy người đọc lại bỏ qua gợi ý từ những cái tên, như Đỏ và đen, Chiến tranh và hoà bình, nếu họ muốn thực sự giải mã tác phẩm của Stendal và Lev Tolstoy (có thể xếp vào đây cả các nhan đề tác phẩm thuộc văn học Việt Nam – số lượng sẽ là rất lớn – ví như Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, hoặc Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh…). Thường thì đây là những tác phẩm ít nhiều đều mang tính luận đề – tức là một cốt truyện cụ thể với những hoàn cảnh xã hội cụ thể, những số phận con người cụ thể, tác giả muốn hướng tới một nội dung nhận thức khái quát: Một vấn đề của dân tộc, thời đại, thậm chí toàn nhân loại. Trong những trường hợp như vậy, một nhan đề vừa sát hợp với nội dung tác phẩm, vừa độc đáo, sẽ thực sự là một chìa khoá diễn giải quan trọng mà tác giả trao cho người đọc để họ vững tin bước vào thế giới của tác phẩm.

      3. Nhưng, cũng có không ít ví dụ để chúng ta đi đến nhận định rằng, đôi khi nhan đề tác phẩm lại giống như một sự lộn trái của cái nội dung mà nó thâu tóm. Mặt trận miền Tây yên tĩnh (bản tiếng Việt là Phía Tây không có gì lạ) của Eric Maria Remarque và Sông Đông êm đềm của Solokhov hẳn sẽ là hai trong số những ví dụ tốt nhất để bàn về khía cạnh này. Có cái gì là êm đềm ở vùng sông Đông trong cơn bão táp cách mạng? Có ai trong số những người lính tham chiến ở mặt trận phía Tây trong đại chiến thế giới II lại cảm thấy yên tĩnh hay quen thuộc đến bình thản với cảnh chết chóc khủng khiếp? Không gì cả! Không ai cả! Đó là câu trả lời dứt khoát của bất cứ một độc giả nào đã đọc hai tác phẩm nói trên, họ sẽ thấy cái nhan đề đối nghịch (thậm chí, còn là sự giễu nhại) với nội dung tác phẩm thật là một điều gì đấy đầy ấn tượng: Nó găm chặt trong ký ức của họ, một lần cho mãi mãi. Phải chăng, cách đặt nhan đề kiểu này lại không phải là sự biểu hiện cho một phần tài năng của các bậc thầy? Tất nhiên, nhiều văn gia làng nhàng cũng đã học lỏm “độc chiêu” này. Song cái nhăn mặt của Đông Thi thì có bao giờ giống với cái nhăn mặt của Tây Thi! Nguyên nhân ở chỗ là tác phẩm của họ chán phè, và khi mà nội dung ruột rà đã không có gì đáng nói, thì việc loay hoay tìm một cái tên ấn tượng cho tác phẩm chắc chắn sẽ chẳng có nghĩa lý gì (điều này đúng trong mọi trường hợp của câu chuyện về nhan đề tác phẩm mà chúng ta đang bàn).

      4. Trong cả hai trường hợp nói trên – nhan đề phản ánh thuận chiều và nhan đề phản ánh nghịch chiều với nội dung tác phẩm – dẫu sao mặc lòng, cái nhan đề vẫn cứ là một gợi ý cho việc đọc tác phẩm. Và điều đó hẳn khiến Umbertô Êcô thấy phiền lòng. Ông thích những nhan đề “vô tư” hơn – những nhan đề đã bị tước đi mọi ý nghĩa chìa khóa, những nhan đề tồn tại chỉ đơn giản để người ta tiện gọi tên tác phẩm và không lầm lẫn giữa nó với các tác phẩm khác. “Những nhan đề tôn trọng người đọc nhất chính là những nhan đề rút lại chỉ còn là cái tên riêng đặt cho nhân vật chính, như kiểu David Copperfield hoặc Robinson Crusoe...”. Có thể mở rộng kiểu nhan đề này bằng cách dung nạp thêm các nhan đề – vẫn có nhân vật chính của truyện trong đó, nhưng đã được bổ sung thông tin về nghề nghiệp của nhân vật (Bác sĩ Zhivago), về gia thế của nhân vật (Con gái viên đại úy), về hành động của nhân vật (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn), hoặc nhiều hơn nữa (Don Quichotte - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra)... Quả thực, có đem kính hiển vi ra soi những nhan đề kiểu này, người ta cũng khó mà tìm thấy giữa chúng và nội dung tác phẩm một gợi ý để đọc, dù là mỏng manh nhất. Thậm chí, nhiều khi ta còn phải ngã ngửa vì hình như nhan đề đánh lừa chúng ta, “một sự can thiệp không vô tư dành cho độc giả” – như Umbertô Êcô nhận xét. Này nhé: Lão Gôriô thì chủ yếu là thiên anh hùng ca về Raxtinhăc,  Anna Karenina thì bỏ sót mất triết gia Levin – người phát ngôn tư tưởng cho bá tước Tolstoy. Ba người lính ngự lâm thì té ra là câu chuyện về chàng ngự lâm thứ tư! ở đây là “một sự nhầm lẫn sang cả”, hay phải chăng là cách “tung hỏa mù” của tác giả đối với người đọc?

      5. Vấn đề nhan đề còn nhiêu khê hơn nữa, khi mà cái tên gắn vào cuốn sách lại không phải là do tác giả quyết định (nghĩa là anh ta sẽ không phải chịu trách nhiệm về chuyện này trước dư luận: Anh bảo nó dở ư? Xin hãy hỏi ông xuất bản!). Trường hợp này thì đúng là đã thỏa mãn Umbertô Êcô một cách “hoàn toàn”: Tác giả đã biến mất, cái nhan đề – chìa khoá đâu phải của anh ta! Mà thường thì đây là câu chuyện về một nhan đề B (của ông chủ xuất bản) thay thế một nhan đề A trước đó (của tác giả). Để làm gì? Để đánh vào tâm lý tò mò của số đông độc giả, để sách bán chạy hơn và đem lại doanh thu cao hơn, vậy thôi! Có cái lạ là tập đoàn những nhan đề B này rất thường khi bốc lên mùi vị của chuyện tình ái. Thì đấy: Cái lò gạch cũ của Nam Cao bị biến thành Đôi lứa xứng đôi, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh lại thành ra Thân phận của tình yêu, và còn vô số ví dụ khác tương tự (có lẽ chăng, giống như chất muối trong bữa ăn hàng ngày, cái gia vị ái tình chưa bao giờ khiến cho thiên hạ phát ngán!).

      Có thể nói về chuyện nhan đề của tác phẩm văn học ở nhiều chi tiết hơn nữa. Thậm chí, có khi phải coi nó là một câu hỏi lớn đối với các nhà văn. Vì, hơn một lần, nhà văn Hồ Anh Thái đã cất tiếng phàn nàn về việc giới sáng tác ở Việt Nam hiện nay khá lười nhác và cẩu thả trong sự đặt tên cho tác phẩm: Anh đẻ ra một đứa con, song anh nóng vội vơ váo một vài chữ nghĩa để định danh cho đứa con ấy, không cần biết cái tên có hay không, có ý nghĩa không, có “độc” không! Người viết bài này không hề phản đối ý kiến của Hồ tiên sinh. Song thiển nghĩ điều chủ yếu là một tác phẩm càng hay bao nhiêu thì càng khắc sâu vào ký ức độc giả bấy nhiêu (rất thường khi, chúng ta nhớ tới - và nhớ rất rõ - nội dung tác phẩm, hoặc chí ít là các chi tiết đắt giá, mà chịu không nhớ nổi tên tác phẩm. Khi ấy thì việc nhớ tên tác phẩm thực ra đã là không quan trọng). Nói như vậy không phải là  bào chữa cho những nhà văn hời hợt trong việc đặt tên tác phẩm, cũng không phủ nhận tầm quan trọng đặt tên cho tác phẩm và coi những điều đã viết ở trên là kém ý nghĩa.
      Đặt tên hay không đặt tên (đôi khi tên sách lại chỉ là Vô đề cũng được), rút lại là một phần hữu cơ với việc đưa trình một tác phẩm. Coi nhẹ hay trăn trở với việc đặt tên thì cũng phải thấy rằng tác giả bao giờ cũng phải loay hoay nghĩ ngợi nhiều đến nó.

Hoài Nam

      _______________
      * Toàn bộ chú thích lấy từ Lời tái bút cho Tên của đoá hồng. Trong sách Đi tìm sự thật biết cười – Umbertô Êcô. Vũ Ngọc Thăng dịch. Nhà xuất bản Hội nhà văn 2004.

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.