Trong Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, phát biểu tại phiên giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 chưa giải ngân hết đến hết ngày 31.12.2024, bao gồm cả nguồn vốn kế hoạch năm 2022. Trong Tờ trình của Chính phủ, đến ngày 30.9.2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân được 32% kế hoạch, đã bao gồm vốn năm 2022. Như vậy, nguồn vốn chưa thực hiện là rất lớn.
Như chúng ta đều biết việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 chậm 2 năm, đến năm 2022 mới triển khai. Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đã được Báo cáo giám sát cũng như các đại biểu Quốc hội chỉ ra.
Thứ nhất, do việc phân bổ vốn, giao vốn ngân sách Trung ương chậm. Phương thức phân bổ vốn chưa thống nhất, có chương trình giao tổng vốn và có chương trình lại giao chi tiết đến từng nội dung thành phần cụ thể, chưa tạo sự chủ động cho địa phương và khó khăn cho việc lồng ghép nguồn lực, tích hợp chính sách.
Thứ hai, việc lập kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm yêu cầu phải lập danh mục dự án và phân bổ vốn đến từng dự án thành phần. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện không thống nhất thì phải điều chỉnh các dự án và kế hoạch, làm kéo dài thời gian.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của cả 3 Chương trình tiêu quốc gia hiện nay còn đang vướng, có chính sách chưa đi vào cuộc sống và dẫn đến giải ngân vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong nhóm thấp nhất.
Đáng chú ý, theo ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), việc ban hành các văn bản chậm và sửa đổi các văn bản còn bất cập cũng còn đang chậm, mất nhiều thời gian, dẫn đến độ trễ của chính sách. Việc phân cấp trao thẩm quyền cho địa phương gắn với một số văn bản chưa rõ ràng, dẫn đến lúng túng và thời gian thực hiện chậm, đặc biệt cơ chế quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu chưa rõ ràng, vừa phải thực hiện cơ chế đặc thù nhưng cũng đồng thời phải thực hiện quản lý theo quy định hiện hành.
“Địa phương không phải không muốn làm mà không thể làm được vì cơ sở pháp lý không rõ ràng. Nếu như cứ làm thì rủi ro pháp lý có hậu quả có thể xảy ra”, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) nêu thực tế.
3 Chương trình mục tiêu quốc gia được đánh giá rất quan trọng và có ý nghĩa nhân văn, hướng đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, khu vực nông thôn. Theo ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam), “các địa phương và đại đa số người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo ở mọi miền của Tổ quốc đang mong đợi chúng ta tập trung hơn nữa và tiếp tục triển khai thực hiện chương trình này. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và từng địa phương hãy hành động nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và thực chất hơn nữa để giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân”.
Việc Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện, khiến đại biểu Lò Thị Luyến cũng như nhiều đại biểu “toại nguyện”. “Đây là quyết định hợp lý, nhân văn, vì quyền lợi của người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đại biểu Lò Thị Luyến tin rằng, đến thời điểm này khi hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đã hoàn thiện, nếu sắp tới Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nữa sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia một cách hiệu quả, đem lại những đổi thay tích cực, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.