Những “khuôn mặt” của sách

Nghệ thuật thiết kế, minh họa bìa sách từ thô sơ đến hiện đại, từ tối giản đến tối đa kỹ thuật, với rất nhiều phong cách và kỹ thuật thể hiện được phô diễn trên các trang bìa sách. Lần đầu tiên công việc sáng tạo thú vị này được giới thiệu tới đông đảo công chúng.

Thể hiện hồn cốt và thông điệp cuốn sách

Chiều 8.5, Triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, giới thiệu các tác phẩm của 55 tác giả là họa sĩ ba miền hội tụ cùng 6 nhà xuất bản, đơn vị làm sách: Nhà xuất bản (NXB) giáo Dục, NXB. Kim Đồng, NXB. Phụ Nữ, NXB. Mỹ thuật, Nhã Nam và Thái Hà Books.

Những “khuôn mặt” của sách -0
Một góc triển lãm
Ảnh: Ng. Phương

Nghệ thuật bìa sách ra đời và phát triển cùng với lịch sử của sách. Ban đầu, bìa được sử dụng như một lớp bảo vệ, liên kết các trang giấy lại với nhau. Dần dần, chức năng trang trí cho sản phẩm tri thức ngày càng được coi trọng. Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Bìa sách là yếu tố không thể thiếu của bất cứ cuốn sách nào. Ngoài chức năng là 'chiếc áo' bền chắc bảo vệ cuốn sách, bìa sách ngày nay còn phải là 'chiếc áo đẹp' mang tính thời trang, thời thượng thể hiện 'ngay và luôn' một cách mạnh mẽ hồn cốt và thông điệp của cuốn sách. Thậm chí có cuốn sách với thiết kế bìa độc và lạ như một 'tiếng sét ái tình' ngay từ cái nhìn đầu tiên, một hiệu quả cuốn hút đến không ngờ”.

Triển lãm được diễn ra trong bối cảnh những năm gần đây, thị trường xuất bản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Riêng năm 2021 đã có 4 triệu bản sách được phát hành với gần 33.000 đầu sách, doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng. Hằng năm, giới xuất bản đều tổ chức bình chọn giải thưởng sách dành cho các tác giả, người biên tập tác phẩm hay... Mặc dù vậy, từ trước đến nay vẫn chưa có một triển lãm quy mô, hội thảo được tổ chức để ghi nhận, tôn vinh các họa sĩ thiết kế sách, bìa sách.

Từ nhận thức vai trò quan trọng của bìa sách, Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã quyết định tổ chức triển lãm đầu tiên quy mô toàn quốc, nhằm ghi nhận, đánh giá, tôn vinh các trang bìa đẹp, các tác giả tài năng, giúp cho thị trường sách Việt Nam ngày càng đổi mới phong phú, đa dạng...

Nâng tầm sách bằng nghệ thuật

Được coi là “khuôn mặt của cuốn sách”, trang bìa đóng vai trò như lời mời độc giả bước vào thế giới của những con chữ mà tác giả đã tạo ra. Bởi chức năng như vậy, bìa sách vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa truyền tải nội dung một cách hấp dẫn, ấn tượng ngày càng được chú ý.

Nghệ thuật bìa sách gắn liền với nghệ thuật thiết kế đồ họa, lĩnh vực xuất bản phẩm. Theo họa sĩ Hồ Trọng Minh, bìa sách đồng thời mang nét khái quát cô đọng và gợi mở nội dung cuốn sách. Mỗi bìa sách là câu chuyện về nội dung và hình ảnh được tích hợp trong đó. Ngày nay, bìa sách được thể hiện rất phong phú: sách nghệ thuật, sách văn học, sách nghiên cứu văn hóa, khoa học hay sách giáo khoa, sách kinh doanh, từ điển... mỗi loại sách có phong cách thiết kế bìa khác nhau.

Dưới góc độ mỹ thuật, nghệ thuật bìa sách có thể được tổng hòa từ nghệ thuật dùng chữ (typography), nghệ thuật dùng hình ảnh, màu sắc hay bố cục và đặc biệt là chất liệu. Tuy nhiên, để có một bìa sách đẹp, có thể đưa lại cảm nhận thẩm mỹ và nội dung cuốn sách từ cái nhìn đầu tiên, đồng thời khẳng định phong cách riêng của họa sĩ là điều không dễ dàng. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, trên một phạm vi hẹp chỉ vài trăm centimet vuông làm thế nào để chuyển tải nội dung vừa hấp dẫn, tạo ấn tượng, vừa có sự khác biệt mà vẫn bảo đảm những giới hạn khắt khe vô hình của các định chế pháp luật, thuần phong mỹ tục là bài toán khó với những người làm thiết kế bìa...

Qua triển lãm, nhiều bìa sách đẹp được giới thiệu. Ở đó bạn đọc có thể nhận ra, có những bìa sách vừa hé mở nội dung cuốn sách, dẫn người đọc đến với sách, đồng thời nâng tầm cuốn sách, giúp người xem đoán biết tầm cỡ của tác giả, thái độ của nhà xuất bản đối với cuốn sách... “Không giống như hội họa, nghệ thuật vẽ bìa sách bao giờ cũng gắn liền giữa sản xuất - in ấn và tiêu thụ. Nó phản ánh trình độ văn hóa của một dân tộc” - nhà thiết kế, nhà giáo Lê Huy Văn khẳng định.

Đã từ lâu, bìa sách là những tác phẩm nghệ thuật thầm lặng phục vụ cho nhu cầu đọc của hàng triệu con người. Một loại hình nghệ thuật có tính quần chúng rộng rãi như vậy, một tiềm năng phục vụ nhạy bén như vậy đã bước đầu khẳng định được vai trò của nó với văn hóa xã hội... Vào những năm đầu thế kỷ XXI, với cuộc cách mạng chuyển đổi số, nghệ thuật trình bày sách như được chắp cánh, mở ra những chân trời mới đa dạng, không giới hạn. Các nghệ sĩ vẽ bìa thả sức thi tài sáng tạo theo đề tài và các nhà xuất bản đã dần định hình phong cách mỹ thuật riêng cho mình theo chức năng, nhiệm vụ.

Nhà thiết kế Lê Huy Văn cho rằng, triển lãm "Nghệ thuật Bìa sách Việt Nam 2022" đã tạo được một dấu ấn trong hoạt động của đồ họa Việt Nam hôm nay, ghi được cột mốc để nhìn nhận, đánh giá và suy nghĩ cho bước phát triển tiếp theo của nghệ thuật bìa sách Việt Nam trong tương lai.

Văn hóa - Thể thao

Ngự trà hoàng cung
Văn hóa - Thể thao

Ngự trà hoàng cung

Hòa chung không khí cả nước hướng về ngày Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cũng như chương trình Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025: “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới” chủ đề Festival Huế 2025: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Thương hiệu Đôi Dép phục dựng nghi thức và tái hiện hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần. 

Soi mình trên dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Soi mình trên dải non sông

50 năm sau ngày thống nhất đất nước (1975), văn học Việt Nam đã trải qua những bước chuyển mình sâu sắc; từ áng văn thơ gắn liền với lịch sử chiến tranh đến những tác phẩm mang đậm hơi thở Đổi mới, văn học phản chiếu cả hiện thực lẫn khát vọng của một dân tộc trên hành trình hội nhập, vươn mình.

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.