Nhiều chung cư vẫn “dậm chân tại chỗ” dù quá hạn phải lắp thiết bị truyền tin báo cháy nhanh
Nội dung thông tư quy định việc tất cả những công trình có nguy cơ cháy nổ thuộc diện cơ quan công an phải quản lý (có danh mục loại công trình được công bố) phải được trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố và cập nhật thông tin về hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và truyền tin báo sự cố - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07).
Thiết bị truyền tin báo sự cố cháy, nổ là một thiết bị có thể truyền tin qua điện thoại, gắn vào hệ thống PCCC của cơ sở. Thiết bị này sẽ truyền tin thường xuyên đến các điện thoại được cài đặt về tình trạng hoạt động của hệ thống báo cháy. Khi xảy ra cháy, thiết bị này cũng tự động gửi cảnh báo qua mạng đến các cơ quan chức năng.
Một nội dung đáng chý ý là ngày 20.2.2023 vừa qua là “hạn cuối” để các cơ sở công trình thuộc diện nguy hiểm về cháy nổ trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố. Tuy nhiên, theo khảo sát, đến thời điểm hiện tại, đa số các tòa nhà vẫn đang “dậm chân tại chỗ” chưa thực hiện việc lắp các thiết bị nêu trên.
Anh nguyễn Linh 35 tuổi, sinh sống tại khu chung cư ở Ba Đình cho biết: “Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy ở chung cư, nếu các tòa nhà triển khai sớm việc lắp các thiết bị truyền tin báo cháy nhanh sẽ là một giải pháp mới, hữu ích trong việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, người dân như chúng tôi cũng yên tâm hơn khi sinh sống”.
Mặc dù quy định là vậy nhưng thực tế ở hầu hết các khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa tiến hành lắp đặt thiết bị truyền tin báo cháy nhanh. Đơn cử như ở các khu chung cư Linh Đàm, Xa La, nơi tập trung mật độ dân cư lớn đến thời điểm hiện tại chưa triển khai việc lắp các thiết bị truyền tin báo cháy nhanh theo quy định của Bộ Công an.
Nguyên nhân các vụ cháy tại chung cư thường là do chập điện, đặc biệt trong các vụ cháy thường xảy ra hiện tượng hệ thống chuông báo cháy không hoạt động, hệ thống báo khói và đầu phun nước tự động của chung cư không có tác dụng, đèn chiếu sáng để hướng dẫn thoát hiểm cũng không hoạt động… Vì vậy, việc nắm bắt về tình trạng hoạt động của hệ thống phòng cháy, báo tin nhanh khi có sự cố nhờ thiết bị truyền tin sẽ rất cần thiết.
Phạt tiền đối với hành vi không trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố theo quy định của pháp luật
Điều 43, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2022) quy định về khai báo cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy và truyền tin báo sự cố. Trong đó, điều khoản này quy định:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi cập nhật không đúng, không đầy đủ cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không duy trì chế độ hoạt động thường xuyên thiết bị truyền tin báo sự cố theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố theo quy định của pháp luật.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 3 Điều này; Buộc duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của thiết bị truyền tin báo sự cố đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Trương Hiếu