Nhà lãnh đạo rất gần dân, hiểu dân và thương dân
- Là người được tin tưởng giao biên tập, tham gia xuất bản nhiều cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà có thể chia sẻ cho bạn đọc về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình này?
- Tôi may mắn và vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004, khi đó tôi là một biên tập viên trẻ, còn Tổng Bí thư khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ đó đến nay, tôi đã trực tiếp tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuốn sách đều có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng và đều để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai với tác giả cuốn sách.
Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn.
Với tôi, biên tập sách của Tổng Bí thư không phải là áp lực, tôi coi đó là vinh dự và trách nhiệm, do đó, tôi đã cố gắng đặt trách nhiệm lên cao nhất đối với từng cuốn sách. Tổng Bí thư luôn luôn dặn chúng tôi, sách là “văn bia để đời”, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải…
Vì thế, sau mỗi cuốn sách, tôi thường học được rất nhiều điều: học được nhiều kiến thức trong từng cuốn sách cũng như tư duy làm sách, cách thức sửa bài, đặt tiêu đề của Tổng Bí thư cũng như sự chỉn chu trong công việc và sự nhạy cảm chính trị trong việc làm sách và viết báo.
Đặc biệt, tôi học được từ Tổng Bí thư về tư cách đạo đức, đối nhân xử thế, quan tâm đến mọi người, thương yêu cán bộ cấp dưới; về lối sống giản dị, chuẩn mực, suy nghĩ sâu sắc, cặn kẽ; về sự tự học của Tổng Bí thư khi đã giữ những cương vị cao nhất trong Đảng và Nhà nước.
- Trong quá trình đó, điều gì về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến bà ấn tượng nhất?
- Qua các cuốn sách mà tôi được tham gia biên tập cùng với việc đọc kỹ toàn bộ hệ thống các bài viết của Tổng Bí thư trên tất cả các lĩnh vực, trước hết, có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có trí tuệ mẫn tiệp, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học biện chứng, một nhân cách luôn vượt lên những suy nghĩ thông thường. Tổng Bí thư luôn luôn “nói đi đôi với làm”, có chiều sâu lý luận uyên bác được kết hợp nhuần nhuyễn với hoạt động thực tiễn phong phú, sống động, luôn một lòng vì nước, vì dân.
Đọc toàn bộ hệ thống bài của Tổng Bí thư từ trước đến nay, có thể thấy, Tổng Bí thư là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta. Những luận giải của Tổng Bí thư trong các công trình nghiên cứu, hay các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn… đều rất chặt chẽ, với ngôn từ dung dị, dễ hiểu, dễ nhớ và rất thuyết phục.
Tổng Bí thư đã vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; đồng thời đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn phong phú thành lý luận, thành chủ trương, đường lối, tư duy lý luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các tác phẩm của Tổng Bí thư mà chúng tôi thống kê có hơn 40 cuốn là những tổng kết lý luận chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ bản lĩnh, quan điểm, lập trường nhất quán, kiên định của Tổng Bí thư và những tư duy tầm chiến lược, nhưng lại rất cụ thể, thực tiễn của một nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Dân tộc ta.
Thứ hai, Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo rất gần dân, hiểu dân và thương dân. Đọc nhiều bài viết, bài phát biểu, chúng tôi thấy hiển hiện trong ông là một tình thương yêu dân chứa chan, các chỉ đạo của Tổng Bí thư luôn hướng đến cuộc sống hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.
Thế nên, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với địa phương, cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công với cách mạng, các hộ nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh… còn nhiều khó khăn, gặp gỡ, lắng nghe bà con, thăm hỏi đồng bào các dân tộc; gặp gỡ, trò chuyện với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng...
Thứ ba, Tổng Bí thư là một CON NGƯỜI rất sâu sắc, bản lĩnh, trí tuệ, nhưng cũng rất chan hòa, khiêm tốn, giản dị và đặc biệt gần gũi. Lối sống thanh bạch, giản dị của Tổng Bí thư và gia đình ông khiến chúng ta càng thêm nể phục và kính trọng ông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một CON NGƯỜI văn hóa
- Trong số các cuốn sách đã tham gia biên tập và xuất bản, bà ấn tượng với cuốn sách nào nhất của Tổng Bí thư?
- Có lẽ cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra mắt vào dịp 21.6 vừa qua là ấn phẩm mà nhóm biên tập chúng tôi dày công nhất. Đây là cuốn sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện trong hơn một năm, kể từ tháng 3.2023.
Để thực hiện cuốn sách này, chúng tôi đã rà soát tất cả các bài viết, bài phát biểu, bài nói, trả lời phỏng vấn báo chí, bài lược ghi, thư, lời kêu gọi… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa và hình ảnh của Tổng Bí thư gắn với các hoạt động văn hóa đăng trên báo, tạp chí, các sách đã xuất bản, lưu trữ ở nhiều cơ quan. Từ đó, có cái nhìn tổng thể về mức độ bài và sự bao quát toàn diện về những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa.
Qua khảo sát đã cho thấy, các bài viết, bài phát biểu, bài nói, thư, trả lời phỏng vấn, lời kêu gọi… của Tổng Bí thư về văn hóa rất phong phú, trên nhiều lĩnh vực như: văn hóa nghệ thuật, đạo đức, lối sống, văn hóa yêu nước, giáo dục - đào tạo, báo chí - xuất bản… qua nhiều giai đoạn, với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Với khối lượng tư liệu lớn và hình ảnh phong phú, chúng tôi đã xây dựng đề cương sơ bộ và xác định tiêu chí chọn bài và ảnh đưa vào sách.
Câu hỏi đặt ra với chúng tôi là, làm sao để các bài chọn in vừa thể hiện được rõ nét những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, lại vừa bao quát được hết những vấn đề, lĩnh vực cụ thể mà Tổng Bí thư đã dành tâm huyết chỉ đạo, căn dặn đối với từng ngành, từng lĩnh vực.
Đặc biệt, các bài viết được tuyển chọn in trong cuốn sách đều mang dấu ấn và thể hiện quan điểm, tư tưởng, sự chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa, hội nghị văn hóa, các cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa, các cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên mọi miền Tổ quốc. Việc lựa chọn tư liệu, sắp xếp các bài viết, đặt tiêu đề cũng được tính toán để bảo đảm cuốn sách vừa có tính logic về hình thức, cấu trúc, tính khoa học, tính chính trị, có độ chính xác cao nhưng lại đúng tính chất là một cuốn sách văn hóa từ nội dung đến hình thức.
Đối với các hình ảnh in trong cuốn sách, qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy có rất nhiều hình ảnh quý mà nhìn vào những bức ảnh đó sẽ nói lên rất nhiều điều.
Ví dụ, chúng tôi thấy, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với địa phương, cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo. Hoặc, trong cuốn sách có 2 bức thư Tổng Bí thư viết tay, gửi thăm thầy, cô giáo cũ khi đã ở cương vị cao nhất là Tổng Bí thư của Đảng ta.
Hay, có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố, như bức ảnh chụp ngày 27 Tết Kỷ Hợi 2019 khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Phu nhân và các cháu quây quần gói bánh chưng tại nhà riêng (được biết Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng gói bánh chưng như một cách lưu giữ truyền thống dân tộc cho các cháu). Rồi những bức ảnh đọc sách báo hằng ngày của Tổng Bí thư ngay cả khi điều trị bệnh trong bệnh viện… rất giản dị, nhưng cũng thật sâu sắc. Những hình ảnh chân thực đó cho thấy rằng, bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là CON NGƯỜI VĂN HÓA.
Lời căn dặn của Tổng Bí thư với ĐBQH vẫn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay
- Với Quốc hội, một sự kiện có lẽ cũng là dấu mốc không thể nào quên, đó là chỉ vài ngày trước khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ngày 16.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà có thể chia sẻ đôi điều về quá trình tham gia biên tập cuốn sách này?
- Như tôi đã chia sẻ bên lề Lễ ra mắt, cuốn sách này được Quốc hội và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện trong vòng một năm. Để chuẩn bị tư liệu xây dựng cuốn sách, Nhà xuất bản và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức khảo sát tổng thể các bài viết, bài phát biểu, lược ghi các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn và sưu tầm ảnh các hoạt động của Tổng Bí thư từ rất nhiều nguồn khác nhau.
“Là đại biểu của nhân dân, đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Qua khảo sát tư liệu mới thấy, không chỉ đến khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội mới có nhiều bài viết về Quốc hội và vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mà ngay từ đầu những năm 1990, Tổng Bí thư đã có những bài viết rất sâu sắc đăng trên các báo và tạp chí về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội.
Dước góc độ của một người được trực tiếp tham gia vào quá trình biên tập và xuất bản cuốn sách, tôi thấy cuốn sách có những điểm đặc sắc, đó là bạn đọc sẽ thấy rõ vai trò to lớn của Quốc hội cả trong lịch sử và giai đoạn hiện nay; chủ trương, đường lối của Đảng và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; thấy rõ những kết quả cụ thể đạt được trên từng mặt tổ chức, hoạt động của Quốc hội và hạn chế, bất cập; những yêu cầu đặt ra và những nhiệm vụ chủ yếu trong việc nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Và khi đọc xuyên suốt các bài trong cuốn sách, chúng ta sẽ thấy, không chỉ quan tâm đến vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam gắn với đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư còn quan tâm đến những vấn đề cụ thể nhưng rất hệ trọng và cũng là những dấu ấn của Tổng Bí thư trên cương vị Chủ tịch Quốc hội hơn một nhiệm kỳ. Đó là những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư đối với việc sửa đổi Hiến pháp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội; vấn đề ngoại giao nghị viện với việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam sau hơn 11 năm đàm phán.
Một trong những điểm đặc sắc nữa là trong hầu hết các bài trong cuốn sách, Tổng Bí thư luôn căn dặn các đại biểu Quốc hội: “Dù ở cương vị công tác nào, cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội”.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nói rằng: “Là đại biểu của nhân dân, đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó”.
Đối với các đại biểu Quốc hội, những lời căn dặn đó, theo tôi, là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.
- Xin cảm ơn bà!