2,8 tấn thủy ngân dùng cho nha khoa mỗi năm
Tác hại của thủy ngân tới sức khỏe con người đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu. Loại chất này có khả năng tích lũy trong cơ thể, gây độc mãn tính, dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như: Giảm khả năng phòng bệnh, gây tổn thương một số cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, amalgam là một trong các nguồn phát sinh thủy ngân chính trong y tế; thường được sử dụng như một vật liệu để trám, hàn các răng sâu, ngăn ngừa sự tấn công của các vi khuẩn nhằm hạn chế sâu răng. Trong khi đó, amalgam bao gồm thủy ngân với các thành phần kim loại khác như bạc, đồng, thiếc…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã kết luận rằng, amalgam là một nguồn tiếp xúc thủy ngân quan trọng ở người trưởng thành. Các nha sĩ và nhân viên phòng khám nha khoa có thể bị phơi nhiễm với hơi thủy ngân thoát ra trong không khí trong quá trình chuẩn bị, pha trộn amalgam trước khi hàn cho bệnh nhân. Việc phơi nhiễm này làm tăng khả năng vô sinh ở các nha sĩ, phụ tá nữ và là một trong các nguyên nhân của những bệnh liên quan đến hệ thần kinh, não bộ như Alzheimer. Còn với bệnh nhân, trong quá trình được hàn amalgam, nếu không được bảo hộ an toàn khoang miệng, một lượng nhỏ hơi thủy ngân có thể đi vào cơ thể. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi hít phải hơi thủy ngân.
Hiện nay ở Việt Nam, thủy ngân được dùng trong nha khoa mỗi năm dao động ở khoảng 2,8 tấn; 20% nha sĩ vẫn còn sử dụng amalgam. Sử dụng amalgam trong nha khoa ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, môi trường, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
Từng bước loại bỏ thủy ngân
Công ước Minamata về thủy ngân được nhiều nước trên thế giới ký kết, nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi tác động tiêu cực từ thủy ngân; Việt Nam tham gia ký kết vào ngày 4.10.2013. Trong phụ lục A-II của Công ước, amalgam - hỗn hống nha khoa thuộc danh mục cần được giảm thiểu. |
Mới đây, tại TP Bắc Giang, Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Nha khoa không thủy ngân tại Việt Nam”. Hội thảo nằm trong dự án Giảm thiểu tiến tới loại bỏ thủy ngân trong nha khoa tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Liên minh Nha khoa thế giới và sự giới thiệu của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mục tiêu của dự án đến năm 2018 chấm dứt sử dụng amalgam trong nha khoa cho trẻ em dưới 15 tuổi và phụ nữ mang thai, cho con bú. Tiến tới chấm dứt sử dụng amalgam trong toàn cộng đồng vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu, theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, cộng đồng cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng amalgam trong nha khoa. Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam cần ngừng sử dụng amalgam trong nha khoa; các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách loại bỏ amalgam ra khỏi danh mục các chất được sử dụng trong y tế. Theo đó, trước hết cần sử dụng một số loại vật liệu thay thế phổ biến không có thủy ngân như composite, glass ionomer, plastic ionomer... Các nha sĩ, người tư vấn nha khoa và các chuyên gia trị liệu nha khoa nên tư vấn người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các vật liệu thay thế amalgam không chứa thủy ngân, đặc biệt đối với trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.