Đó là yêu cầu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại cuộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc từ năm 2021 đến nay, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Đời sống đồng bào từng bước được nâng lên
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương, vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An trong những năm qua có bước phát triển đáng kể, kết cấu hạ tầng được tăng cường; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Ban Dân tộc đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; thực hiện tốt nhiều chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Mặt khác, Ban Dân tộc đã tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện một số nội dung đặc thù, như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chế độ chính sách cho đồng bào DTTS; công tác đối ngoại; chăm lo sự nghiệp giáo dục người DTTS; chăm lo đời sống đồng bào tại các huyện đặc biệt khó khăn và xã biên giới.

Trong giai đoạn 2021-2025, công tác dân tộc và chính sách dân tộc có nhiều nhiệm vụ mới, nặng nề và được sự kỳ vọng lớn của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm: 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư do Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Chương trình, nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện với 8 Sở, ngành và 12 huyện, thị xã.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, đến ngày 10.9.2023, UBND tỉnh đã giao cho các đơn vị thực hiện hơn 2.144 tỷ đồng tại 12 huyện, thị xã. Hiện vốn đầu tư phát triển đã giải ngân hơn 328,585 tỷ đồng, đạt 29,22% tổng kế hoạch; vốn sự nghiệp đã giải ngân hơn 42,328 tỷ đồng, đạt 3,69% tổng kế hoạch.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc cũng đã tập trung thực hiện công tác cải cách hành chính; thường xuyên xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các lĩnh vực ngành quản lý; tập trung chỉ đạo làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh; phòng, chống tham nhũng.

“Kết quả thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng, đời sống vật chất và tinh thần từng bước được nâng lên”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn cho biết.

Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
Tại cuộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc mới đây, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, công tác dân tộc là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đây là chiến lược được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Đồng bào DTTS của Nghệ An hiện có gần 500.000 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở địa bàn miền núi. Vì vậy, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc càng có ý nghĩa quan trọng. “Trong thời gian qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với tinh thần nỗ lực vượt khó, đoàn kết, Ban đã cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào kết quả chung của tỉnh”, ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Đồng tình với đánh giá về kết quả đạt được của Ban Dân tộc tỉnh thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác tham mưu đã được Ban thực hiện tốt, kịp thời; bước đầu triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; thực hiện tốt nhiều chính sách, chương trình, đề án cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Mặt khác, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt công tác phối hợp trên các mặt công tác với các sở, ban, ngành, đơn vị. Ban đã tăng cường công tác cải cách hành chính...
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.745km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên; dân số 1.197.628 người, chiếm 36%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số, trong đó có 5 dân tộc thiểu số có lịch sử sinh sống lâu đời trên địa bàn là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, điều kiện chưa được thuận lợi; một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 vẫn còn chậm; kết quả giải ngân vẫn còn thấp… Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban xác định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác dân tộc trong điều kiện của tỉnh để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, chương trình đối với công tác dân tộc.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cho cả người làm công tác dân tộc và đồng bào dân tộc; từ đó thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, tư duy, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo, có sinh kế bền vững, cuộc sống ổn định hơn… Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách, trong đó lồng ghép các nguồn lực hiệu quả. Qua đó, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc có điều kiện nâng cao mức sống, có sinh kế và được tiếp cận công bằng với các cơ hội phát triển, thiết chế văn hoá, dịch vụ xã hội; thu hẹp khoảng cách về đời sống người dân giữa khu vực đồng bằng và miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh quan tâm hơn nữa về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc, đặc biệt là cấp cơ sở; tiếp tục phối hợp hiệu quả với các sở, ban, ngành để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc… Mặt khác, cần quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là khu vực biên giới để tránh phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự; phối hợp xử lý thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế về công tác dân tộc đối với các địa phương nước bạn Lào có chung đường biên giới…
Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tiêu cực, lãng phí. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp làm việc, thực hiện chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc; chăm lo đời sống cho cán bộ làm công tác dân tộc.