Trong thời gian 7 ngày công tác tại Australia (chưa kể thời gian đi và về), Đoàn đã tham dự 13 cuộc làm việc và chào xã giao.
Tại Sydney, Đoàn đến thăm và làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney.
Tại Bắc Australia, Đoàn chào xã giao Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ hiến Bắc Australia; tham dự phiên chất vấn của Quốc hội Bắc Australia; làm việc với Bộ trưởng Bản địa Bắc Australia; nhóm cơ quan phụ trách Bản địa Bắc Australia; thăm và làm việc với trường Đại học Darwin; trường Cao đẳng nghề Darwin; thăm nông trang do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng và chế biến xoài Australia.
Tại Thủ đô Canberra, Đoàn làm việc với Bộ trưởng Bản địa chính quyền Liên bang Australia; Vụ Đông Nam Á; Vụ Việt Nam và Mê kông, Đại sứ đại diện người bản địa thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia; Lãnh đạo Tổ chức Doanh nhân bản địa Australia; Cơ quan bản địa Australia và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.
Thổ dân Australia là những người bản địa đầu tiên cư trú tại Châu Đại dương, gồm hàng trăm nhóm sắc tộc với những ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Thổ dân là một vấn đề lịch sử và tế nhị, luôn chiếm một phần lớn trong chương trình nghị sự của Quốc hội và Chính phủ Australia.
Tại các cuộc làm việc với Bộ trưởng Bản địa Australia Linda Burney và Bộ trưởng Bản địa Bắc Australia Selena Uibo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ: Hiện, tại Việt Nam, người DTTS chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Ngoài một bộ phận người DTTS sinh sống đan xen cùng người đa số ở các đô thị, có một bộ phận không nhỏ người DTTS sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới. Do có sự khác biệt về văn hóa, khó khăn về địa lý nên phần lớn các DTTS Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chậm hơn so với phần còn lại của đất nước. Do đó, mặc dù chiếm khoảng 14,7% dân số nhưng người DTTS lại chiếm tới 90% số người nghèo cùng cực và 51,2% số người nghèo đa chiều tại Việt Nam.
Dưới sự điều hành của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đang nỗ lực triển khai các chương trình, chính sách, đề án và tìm kiếm thêm các nguồn lực, phương thức tiếp cận mới để có thể thúc đẩy tốc độ phát triển của các DTTS Việt Nam và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tại Việt Nam, số lượng đại biểu Quốc hội người DTTS tại các khu vực có đông người DTTS luôn được đảm bảo, số lượng đại biểu Quốc hội người DTTS tại Việt Nam trong nhiều khóa chiếm tỷ lệ từ khoảng 15 đến trên 17%, cao hơn so với tỷ lệ dân số người DTTS.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, người DTTS tại Việt Nam và người bản địa Australia có nhiều điểm tương đồng và đây là cơ sở vững chắc để có thể thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về công tác dân tộc và công tác người bản địa giữa hai bên.
Chuyến thăm lần này của Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc nhằm đặt nền tảng cho hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục- đào tạo, lao động - việc làm, phát triển nông nghiệp, du lịch cộng đồng và đầu tư.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bản địa Australia Linda Burney đã trao đổi về Dự thảo “Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Cơ quan Quốc gia về Người Bản địa Australia” và cùng thống nhất sau khi các cơ quan hữu quan của hai bên có thẩm quyền tham gia, góp ý và hoàn thiện hai bên mong muốn sẽ ký kết hợp tác trong dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia hoặc nhân dịp chuyến thăm cấp cao Australia của Lãnh đạo cao cấp của Việt Nam gần nhất với chủ đề: “Năm của người bản địa” sẽ đặt dấu ấn quan trọng trong hợp tác về công tác dân tộc và công tác người bản địa của hai quốc gia.
Bộ trưởng Bản địa Australia và Bộ trưởng Bản địa Bắc Australia cũng chia sẻ về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan phụ trách về người bản địa của Chính quyền Liên bang Australia và Bắc Australia. Australia có 798.365 người bản địa, chiếm 3,3% dân số Australia, gồm hàng trăm nhóm sắc tộc khác nhau với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Riêng tại Lãnh thổ Bắc Australia, mặc dù chỉ có 74.546 người bản địa nhưng lại chiếm 30% dân số của Bắc Australia. Chính phủ Australia hiện nay ban hành nhiều chiến lược, chính sách và huy động đầu tư các nguồn lực hỗ trợ người bản địa ở cấp độ Liên bang và cấp Tiểu bang, trong đó có chính sách hòa giải; Thu hẹp khoảng cách; Tiếng nói của người bản địa; Các chương trình phát triển kinh tế- xã hội cho người bản địa; Chương trình bồi thường cho những thế hệ bị đánh cắp; Chương trình biệt phái; Chính sách tạo việc làm bằng cách tăng cường tuyển dụng, duy trì và phát triển nghề nghiệp của người bản địa…
Cơ quan quốc gia về người bản địa Australia (NIAA) thực hiện các chính sách và chương trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, xây dựng và thực hiện các mục tiêu thu hẹp khoảng cách của Người bản địa Australia về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và việc làm.
Văn phòng người bản địa Bắc Australia thuộc Chính phủ Bắc Australia chịu trách nhiệm xây dựng chính sách về chiến lược người bản địa, các dự án quan trọng về người bản địa; công nhận, xây dựng và trao quyền cho người bản địa để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc ra quyết định của Chính phủ. Chiến lược về các vấn đề của người bản địa “Mọi người cùng nhau” được khởi động năm 2020 trên 10 lĩnh vực trọng tâm: sự thật và sự chữa lành; Ngôn ngữ và văn hóa; Đất và biển; Trẻ em và gia đình; Nhà ở và cơ sở hạ tầng thiết yếu; Sức khỏe; Giáo dục; Sự an toàn; Sự công bằng; Việc làm và phát triển kinh tế.
Trong các cuộc tiếp xúc và làm việc, phía Australia mong muốn hai bên sẽ có nhiều hoạt động hợp tác về người DTTS/người bản địa thông qua việc tổ chức các đoàn giao lưu Nhân dân, giao lưu văn hóa- nghệ thuật tại hai nước; học tập, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế của người bản địa, chính sách tiêu thụ sản phẩm do người bản địa làm ra…; hợp tác về giáo dục giữa các trường Đại học của Australia và các trường dự bị đại học, phổ thông dân tộc nội trú của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết, trong bối cảnh Australia đang đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trọng tâm, hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, trong đó bên cạnh thương mại - đầu tư, giáo dục, lao động, khoa học - công nghệ thì giao lưu Nhân dân, trao đổi văn hóa là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh, với nhiều năm triển khai chính sách hỗ trợ người DTTS và những thay đổi trong mọi mặt đời sống xã hội của những người dân tộc thiểu số thời gian qua, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với Australia, vừa để quảng bá nét văn hóa đặc sắc của 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam, vừa góp phần gia tăng sự hiểu biết giữa người dân hai nước.
Australia nói chung và đặc biệt là Bắc Australia nói riêng gặp khó khăn rất lớn về thiếu hụt lao động. Bắc Australia có diện tích gấp hơn 4 lần Việt Nam (diện tích Việt Nam khoảng 331.000 km2, diện tích của Bắc Australia là 1.420.000 km2) trong khi đó dân số Bắc Australia chỉ có 250.000 người, người bản địa chiếm 30% nhưng lại sở hữu đến 48% đất đai và 80% bờ biển, đây chính là tiềm năng rất lớn để hai bên hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Mối quan hệ hợp tác giữa hai Quốc gia đang đứng trước thềm nâng cấp quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, cộng đồng người Việt Nam tại Australia đang dần là một bộ phận gắn bó với sự phát triển kinh tế, hòa nhập và càng ngày càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ bang giao của hai đất nước đã trải qua hơn nửa thập kỷ gắn bó và hợp tác.
Từ những cuộc làm việc trực tiếp, qua khảo sát thực tế và thảo luận kỹ những nhận xét, ý kiến tham gia của các thành viên trong đoàn, Ủy ban Dân tộc có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý Ủy ban Dân tộc ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Quốc gia về Người Bản địa Australia và với cơ quan phụ trách Bản địa Bắc Australia sau khi các cơ quan hữu quan của hai bên có thẩm quyền tham gia, góp ý và hoàn thiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và pháp luật Australia. Cùng với đó, là nhiều nội dung hợp tác quan trọng, nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc giữa hai quốc gia.