Có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn
Tán thành với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ở thời điểm hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc đầu tư Chương trình này có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước.
Nêu rõ, văn hóa có vị trí quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, có "nhiều vấn đề hôm nay chúng ta chưa thể hình dung ra được".
Vì vậy, thay vì gọi là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì cần nâng lên thành Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa hay không? Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, phát triển con người, phát triển văn hóa là một chiến lược dài hạn của mỗi quốc gia, không chỉ thực hiện trong 10 hay 20 năm như đề xuất được Chính phủ đưa ra tại Tờ trình.
“Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa sẽ đưa ra những mục tiêu cơ bản, tổng quát, cũng như các giải pháp cơ bản, đặc biệt là đưa ra quan điểm trong dài hạn để tương xứng với vị trí của một chương trình quốc gia”.
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, sẽ triển khai thực hiện Chương trình bằng các kế hoạch đầu tư công trung hạn, yêu cầu dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm phải bố trí cho thực hiện...
“Xác định theo hướng nêu trên sẽ giải quyết được bài toán vừa bảo đảm có chi thường xuyên, vừa có chi đầu tư công. Hơn nữa, nếu bây giờ đưa ra ngay danh mục các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa như đề xuất của Chính phủ thì có chắc chắn về tính khả thi không khi mà điều kiện thực tế có thể thay đổi trong thời gian tới?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Nếu vẫn xây dựng Chương trình này theo mô hình của một chương trình mục tiêu quốc gia thông thường, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, sẽ “mắc” rất nhiều trong quá trình triển khai. Do vậy, cần xây dựng một chương trình tổng thể, Quốc hội quyết định các mục tiêu cơ bản để trên cơ sở đó giao Chính phủ cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, lượng vốn đầu tư thực hiện, thậm chí xác định cả những yếu tố về vật chất, phi vật chất, chính sách hỗ trợ thực hiện…
Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư trong triển khai Chương trình
Tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, song ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) băn khoăn khi tại Tờ trình của Chính phủ về Chương trình có đề cập tới đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa ở nước ngoài, nhưng "nội dung này chưa được đề cập trong Luật Đầu tư công nên cần nghiên cứu sao cho phù hợp".
Ở góc độ khác, một số đại biểu Quốc hội tán thành với quy định thực hiện Chương trình ở trong cả nước và ở một số nước trên thế giới chúng ta có quan hệ ngoại giao hoặc có quan hệ văn hóa lâu đời, các quốc gia có công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động và đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc), đây là bước đi mạnh dạn trong quá trình hội nhập văn hóa của nước ta, sẽ góp phần tạo điều kiện quảng bá văn hóa đất nước ra thế giới và cũng là cầu nối, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới về Việt Nam.
Chương trình đang xây dựng theo các nhóm nội dung thành phần mà chưa có danh mục dự án, nhiệm vụ cụ thể để làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư. Tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương như Tờ trình "là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối nguồn vốn". Nguồn vốn xã hội hóa đang ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng cũng chưa chắc chắn.
Do đó, ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát kỹ, cân đối nguồn vốn thực hiện, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội đang triển khai cần nguồn vốn, đồng thời điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình có thứ tự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực sự hiệu quả, tránh lãng phí.
“Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần được hiểu là chương trình đầu tư có mục tiêu ưu tiên của quốc gia cho văn hóa. Do vậy, ngoài chi thường xuyên và nguồn lực xã hội dành cho văn hóa, cần có những dự án đặc biệt, mang tính đột phá, dẫn dắt, định hướng lớn, theo cách “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” hay Nhà nước giữ vai trò bảo trợ văn hóa, nghệ thuật để tránh những hệ lụy của kinh tế thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi chung của xã hội, trong đó có văn hóa”, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh.