Xác định sản phẩm chủ lực
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định cho biết, tỉnh đã chủ động rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực phù hợp với yêu cầu, tiềm năng lợi thế của địa phương. Từ đó, áp dụng đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ngày 18.9.2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1979/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực; các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Trong đó, có 3 nhóm sản phẩm chủ lực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) với các chủng loại cụ thể như lúa, rau, củ; hoa, cây cảnh; thịt lợn, gà; ngao, tôm; 5 ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng gồm: ngành sản xuất các sản phẩm trồng trọt; ngành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái.
Đến nay, các sản phẩm chủ lực này ngày càng phát triển ổn định, góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Cụ thể, việc sản xuất lúa; rau củ; hoa, cây cảnh đã chuyển trọng tâm sản xuất từ coi trọng số lượng, sản lượng sang chất lượng, tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng nhanh trên 80% diện tích năm 2021; phương thức sản xuất, nhất là khâu gieo cấy và khâu thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ đã tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất của người dân. Sản xuất rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng theo chuỗi được coi trọng. Nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định được hình thành, qua đó, giải quyết được thị trường tiêu thụ, nâng cao năng suất và chất lượng gạo trên địa bàn tỉnh.
Về sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi, năm 2021, đạt nhiều kết quả tốt, tổng đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) có 641.050 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 150.470 tấn. Tổng đàn gia cầm hiện có 9.467.000 con; sản lượng thịt gia cầm các loại đạt 32.361 tấn. Nuôi trồng thủy sản tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh và ứng dụng công nghệ cao, tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn để hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Là tỉnh trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển nông nghiệp nên tỉnh Nam Định đã xác định rõ định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tỉnh cũng tập trung thực hiện các giải pháp, nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan. Trong đó, nổi bật là đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư tại chỗ, thông qua việc liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp đóng trên địa bàn với các đối tác nước ngoài hay tỉnh bạn, đặc biệt là chương trình hợp tác nông nghiệp với Nhật Bản.
Tuy vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu lên một số khó khăn như đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp chủ yếu là lồng ghép từ các nội dung khác; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít...
Đại diện một số doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng nêu ra không ít khó khăn khi bắt tay đầu tư vào làm nông nghiệp. Ông Lâm Văn Lưu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất trà dược liệu Ngọc Anh chia sẻ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần nhất là vốn để cơ giới hóa nhưng quy trình thủ tục vay vốn vẫn rườm rà, khó khăn. Công ty đã được tỉnh nhất trí chủ trương cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, nhưng toàn bộ hệ thống công trình, nhà xưởng nhiều tỷ đồng đều không được tính giá trị khi làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, sản phẩm dược liệu của doanh nghiệp đều được chuẩn hóa từ vùng thổ nhưỡng; kỹ thuật nuôi trồng, thu hái, sản xuất theo chuỗi cung ứng khép kín từ khâu lựa chọn giống; nguyên vật liệu trực tiếp trồng và thu hoạch tại Nam Định đạt chuẩn VietGAP.
Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thời gian tới, sẽ tích cực triển khai các hoạt động nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch; tập trung cao cho công tác cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì công khai các quy hoạch của ngành để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận thông tin; phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị gặp gỡ, xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của Nhật Bản trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Nam Định với các tỉnh của Nhật Bản. Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, cung cấp các thông tin sản xuất, tư vấn lập dự án, cung cấp thông tin cần thiết về thị trường… cho các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt các thông tin về cơ chế, chính sách.