![]() |
Không phải ngẫu nhiên ở tác phẩm Giáp bản Marilyn, nửa phía trái là ảnh màu trong khi các bản in bên phải lại đen trắng. Chúng như sự đối lập trần trụi giữa sự phù du của cuộc sống đầy hào nhoáng và cái lem luốc của thực tế bên trong. Không những thế, nửa đen trắng lại được Andy cố tình in như những bản in hỏng. Điều này cũng được lặp lại và nhấn mạnh hơn trong 6 Marilyn, 9 Marilyn. Sự đánh tráo màu trên các bản in đen trắng rồi cố tình làm nhòe, làm âm hình ảnh của cô đào được ví như những nốt thăng trầm cuộc đời. Rồi, trong cao hứng sau đó, ông còn cắt riêng hình ảnh nụ cười của Marilyn và cũng nhân bản lên hàng trăm hình như một giá trị không thay thế của thời đại.
![]() Giáp bản Marilyn, acrylic trên vải của Andy Warhol, vẽ năm 1962, thuộc sưu tập Tate |
Sáng tạo mà dường như không có gì sáng tạo, bởi hầu như những cách tạo màu trong in lưới của Andy Warhol cũng chính là cách thức in 4 màu trong các bản in báo chí. Chỉ có điều ông đã tách chúng ra từng công đoạn với ý thức rất rõ ràng như một thủ pháp trong nghệ thuật. Thậm chí, ở đó còn chứa đựng những thách thức điên rồ của ông đối với nghệ thuật dường như đã có phần bế tắc vào những năm 1960. Ông kịch liệt phản đối quan niệm cho rằng nghệ thuật là sản phẩm của tài năng khéo léo, được làm bằng tay và dành cho những người sành sỏi, biểu thị nhân cách của họa sỹ. Ông từng tuyên bố: Tôi muốn mọi người suy nghĩ giống nhau. Tôi nghĩ ai cũng là một cái máy, và gọi xưởng vẽ của mình là nhà máy chế tạo nhân bản vô giới hạn. Ở đó Marilyn cũng chỉ là một chất liệu gây chú ý, giống như cô nàng từng là một phần tử làm nên xu thế điện ảnh đương thời vậy.
Tuy nhiên, điều để loạt tác phẩm này có vị trí vững chắc trong nghệ thuật thế kỷ XX có lẽ không chỉ là Marilyn mà là sự mở đường cho một hình thức mới của Andy Warhol. Chúng được xem là kiểu thức đặc trưng rất POP (từ viết tắt của popular - đại chúng) - một thẩm mỹ sến được hầu hết các thế hệ họa sỹ sau ông tiếp thu và phát triển. Sau thành công với Marilyn, chính Andy Warhol đã tiếp tục nhân bản các nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trị, văn hóa Mỹ, những người có số phận cũng đặc biệt không kém cô đào bạc mệnh kia, như: Tổng thống Kennedy, đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy, ca sỹ Elvis Presley, diễn viên Liz Taylor... Dẫu cố tình phát ngôn gây sốc, nhưng rõ ràng những bức tranh của Andy Warhol về các nhân vật nổi tiếng này đã góp phần làm nên hình ảnh của nước Mỹ thế kỷ XX trong nghệ thuật.