Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, nhân lực ngành du lịch tỉnh có hơn 2.000 người, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và lao động làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lao động làm công tác đào tạo du lịch trong các trường dạy nghề, cao đẳng.
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lao động của toàn ngành du lịch tỉnh nhưng là lực lượng có trình độ cao (tốt nghiệp đại học trở lên), khả năng ngoại ngữ, tin học tốt, năng động, sáng tạo, có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp. Lực lượng lao động nghiệp vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chiếm phần lớn trong tổng số lao động du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, còn một lực lượng khá đông lao động gián tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ tại các điểm tham quan du lịch như chụp ảnh lưu niệm, trông giữ phương tiện, cho thuê phao bơi, quần áo tắm, bán hàng quà lưu niệm... Lực lượng lao động này gồm lao động toàn thời gian và lao động mùa vụ, tập trung tại TP. Nam Định và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như các khu du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên, sinh thái, nghỉ dưỡng, lưu trú... tại các khu, điểm du lịch, số lao động mùa vụ chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghiệp vụ được các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng theo mùa. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng chung của lao động trong ngành du lịch tỉnh.
Trên thực tế, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch tỉnh còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh trình độ không đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng với thực tế tiềm năng, lợi thế du lịch Nam Định và yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
Lao động mùa vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch góp phần giải quyết vấn đề thiếu nhân lực vào mùa du lịch cao điểm và là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng chung của lao động trong toàn ngành. Để tạo ra sản phẩm thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò rất quan trọng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với UBND tỉnh ban hành những chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch tỉnh. Đối với cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp, tạo điều kiện để đội ngũ này được tham dự các lớp tập huấn do Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hàng năm.
Để từng bước giải quyết thiếu hụt về lao động có nghiệp vụ, ngành du lịch tỉnh phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức các lớp, khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng, bàn, bar, quản lý cơ sở lưu trú… cho hàng nghìn lượt nhân viên ở các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành du lịch tỉnh nhà là Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nam Định; Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, mỗi năm chỉ cung cấp ra thị trường hàng chục lao động tay nghề về hướng dẫn viên, lao động trong các cơ sở lưu trú du lịch.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, các nhà trường không ngừng mở rộng quy mô, loại hình đào tạo, xét hồ sơ tuyển sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn đào tạo, hướng nghiệp tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, đa dạng hình thức đào tạo; xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng thị trường lao động du lịch bền vững.
Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, trước tiên là nguồn nhân lực bởi trong các nguồn lực tài nguyên, vốn, khoa học - công nghệ, con người, thì nguồn lực con người có vai trò đặc biệt quan trọng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực du lịch với các địa phương; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng giao tiếp, ứng xử theo hướng chuẩn hóa cho đội ngũ lao động ngành du lịch; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.
Các cơ sở nhà hàng, khách sạn cần có chính sách đãi ngộ tốt đối với người lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập... Các địa phương trong tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động linh hoạt, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của ngành du lịch.