Theo Thành ủy Nam Định, quy hoạch xác định rõ chức năng của TP. Nam Định là trung tâm đô thị động lực chủ đạo (cực phát triển trung tâm) trong 3 vùng kinh tế động lực trọng điểm của tỉnh và giữ vai trò “đầu kéo” thúc đẩy phát triển các địa phương trong tỉnh; là trung tâm giao thương về hàng hóa, dịch vụ và văn hóa; cầu nối giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; liên kết phát triển và hội nhập với các TP lớn của khu vực đồng bằng sông Hồng và các vùng kinh tế khác trên cả nước.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 để tập trung cho xây dựng và phát triển TP. Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, TP. Nam Định đã nhanh chóng cụ thể hóa và hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo Quy hoạch chung; Công khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; Triển khai quy hoạch phân khu phía Nam sông Đào để kịp thời cho công tác xây dựng, phát triển TP.
Những năm qua, TP đã tập trung để hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo Quy hoạch chung TP. Đây là cơ sở để triển khai các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo Quy hoạch. Các dự án được triển khai nhằm tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối giữa các khu vực trong TP, đặc biệt là kết nối khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai. Giai đoạn 2020 - 2023 vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt trên 49,4 tỷ đồng; riêng năm 2023, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 17,69%.
Các dự án được Trung ương, tỉnh và TP đầu tư đã tạo sự phát triển mạnh mẽ cho TP như: cầu Tân Phong và đường nối Quốc lộ 10 - Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38B đoạn từ Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Nam Định; cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; đường trục phía Nam TP đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối TP với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối các huyện phía Nam tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía Nam sông Đào.
Bên cạnh việc hoàn thành hạ tầng các khu đô thị, khu tái định cư hiện có, TP tiếp tục triển khai xây dựng các khu đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho đô thị trung tâm. Ngoài ra, tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội góp phần làm thay đổi diện mạo TP.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một trong các giải pháp trọng tâm để thực hiện Quy hoạch tỉnh là “Phát triển hệ thống đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết mạnh với nhau nhằm đẩy mạnh đô thị hóa, trong đó ưu tiên phát triển TP. Nam Định (mở rộng) trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới nhằm nhanh chóng xây dựng và phát triển TP. Nam Định là mở rộng địa giới hành chính của TP, tạo sự đột phá về tổ chức không gian đô thị; hướng tới xây dựng TP trở thành “TP thông minh đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; đô thị có truyền thống lịch sử được bảo tồn phát huy gắn với các không gian mới hiện đại, tiện nghi hấp dẫn, thân thiện môi trường”. Theo đó, TP. Nam Định mở rộng sẽ có diện tích 120,9 km2, rộng gấp khoảng 2,6 lần hiện tại, gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện nay của TP và huyện Mỹ Lộc.
TP. Nam Định sau khi mở rộng sẽ có vị thế và xu hướng phát triển mới, khai thác có hiệu quả những tiềm năng để xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch; giải quyết được các vấn đề của trung tâm đô thị hiện hữu và các khu vực tăng trưởng dọc theo Quốc lộ 21 và 21B; xây dựng phát triển TP hai bên sông với vành đai tăng trưởng thương mại, dịch vụ.
TP đang tập trung mở rộng không gian đô thị, phát huy tiềm năng của khu vực phía Nam sông Đào gắn với các công trình tiện ích, đô thị mới, tạo tuyến vành đai mới gắn với đô thị - dịch vụ - công nghiệp, thu hút đầu tư với công nghệ thông minh, xanh. Đây sẽ là không gian bổ trợ khu vực phát triển mở rộng của TP, tạo không gian sinh thái ven sông gắn với các hoạt động cộng đồng khai thác du lịch sinh thái, nông nghiệp đô thị, tạo kết nối TP. Nam Định với vùng kinh tế biển phía Nam của tỉnh bằng các trục hướng tâm mạnh mẽ, thu hút đầu tư mới.
Căn cứ vào yếu tố vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển kinh tế thời kỳ quy hoạch của mỗi khu vực, cấu trúc không gian TP. Nam Định sẽ được tổ chức thành 8 khu vực gồm: Khu trung tâm đô thị hiện hữu (đô thị lõi); Khu vực phát triển đan xen phía Nam vành đai 1 (Quốc lộ 10); Khu đô thị dịch vụ, thương mại phía Tây Bắc TP; Khu Trung tâm cửa ngõ phía Tây đường vành đai 1; Khu vực phát triển đô thị mới Nam sông Đào; Khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư phía Tây TP; Khu làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái, thể dục thể thao phía Nam sông Châu Giang; Khu làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía Nam TP. Phát triển không gian nội thị và ngoại thị trên cơ sở kế thừa và phát triển không gian nội thị các phường nội thành; phát triển theo hướng nông thôn mới với các xã ngoại thành còn lại.
Cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của TP. Nam Định. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP sẽ luôn đoàn kết, thống nhất, tranh thủ mọi thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng Thành Nam ngày càng văn minh, hiện đại, tương xứng với vị thế truyền thống, từng là 1 trong 3 đô thị lớn của miền Bắc.