Dấu vết của chiến tranh
Sinh năm 1990 tại xóm 9, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, Nguyễn Minh Phú là người con thứ 3 trong gia đình. Sinh ra trong một hình hải không được hoàn chỉnh với khiếm khuyết là không có hai tay. Phú cho biết hồi em còn nhỏ, lúc đó đang trong nhà nhìn ra ngoài đường. Em thấy các bạn cùng trang lứa đi qua nhà em rất nhộn nhịp. Em hỏi bố: "Bố ơi, các bạn đi đâu mà vui thế?". Sau khi nhận được câu trả lời từ bố, ngay hôm đó, em cũng bảo bố rằng em muốn được tới trường như các bạn….
![]() | |
Em Nguyễn Minh Phú | Ảnh: Thanh Bình |
Khi hỏi lý do tại sao em lại phải chịu những thiệt thòi về cơ thể như thế, ông Nguyễn Quỳnh Lộc (SN 1954) - bố của Minh Phú cho biết, ông từng tham gia chiến trường trong thời kỳ chống Đế Quốc Mỹ. Sau khi hòa bình lập lại, ông trở về quê hương với nhiều thương tật trên mình và cùng bà Nguyễn Thị Bình (SN 1956) kết duyên vợ chồng. Niềm vui chưa trọn vẹn thì ông phát hiện trong mình mang di chứng của chất độc da cam những năm tháng ở chiến trường đã ngấm vào thân thể. Ông Nguyễn Quỳnh Lộc và bà Nguyễn Thị Bình lần lượt có 4 người con. Người con thứ 2 bắt đầu xuất hiện di chứng chất độc màu da cam, đến em Nguyễn Minh Phú là bị nặng nhất, người con út thì bị nhẹ hơn.
Khi sinh ra Nguyễn Minh Phú, nhìn con có một hình hài không đầy đủ mà lòng quặn thắt. Vừa phải gánh chịu nỗi đau vì sinh ra một đứa trẻ không lành lặn, vừa phải hứng chịu những lời ong tiếng ve của người đời, ông Lộc chỉ còn biết nén nỗi đau vào trong lòng. Cũng có những lúc muốn bật khóc, nhưng rồi ông lại nghĩ đến chiến tranh, nghĩ đến việc mình từng là một chiến sỹ, ông hiểu sinh mạng quý giá như thế nào, ông còn sống chứ không hy sinh như các đồng đội khác! Và dù con trai có hình hài thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là máu ruột của mình. Dù con không lành lặn nhưng ccon có quyền được sống, được học tập như bao người khác...
Gian nan đường đến với con chữ
Không những chịu về mặt khiếm khuyết về hình thể, Nguyễn Minh Phú còn có tuổi thơ đầy bệnh tật nên gia đình đã phải chạy đôn chạy đáo để đi chữa bệnh cho em. Năm 4 tuổi sức khỏe em đỡ hơn, Phú ngồi trong nhà nhìn ra đường. Ông Nguyễn Quỳnh Lộc cũng hiểu ra Phú muốn ra ngoài đi chơi cùng các bạn. Ông còn cho biết những lúc gia đình không có ai, là Phú lại tự đi ra nhà mẫu giáo để xem các bạn học hát học múa. Đến năm 6 tuổi, Phú đòi đi học. Ông đành lên trường tiểu học gần đó, xin Phú vào học. Nhưng khi đi học được vài ngày, Phú bị trả lại vì lý do không đủ khả năng. Lúc này, người bố lại dẫn con về nhà.
Nguyễn Minh Phú tâm sự lại rằng lúc đó, tâm trạng rất nặng nề. Em đã đi bộ ra ao ruộng ngồi ở đó đến tối. Lúc cả nhà đi tìm lo em có làm sao thì phát hiện ra chân em bị đỉa bu đầy chân. Hỏi sao em không lấy đỉa ra, Phú nói rằng lúc đó gần như cơ thể không có cảm giác gì. Không đau thể xác vì tâm hồn đang không có cảm xúc.
Biết con đam mê học hành, ông Nguyễn Quỳnh Lộc đã động viên con rằng đừng buồn nữa, cha sẽ ở nhà dậy cho con học. Ông nhớ lại lúc mới tập viết đã lấy những mảnh que cho con tập kẹp vào chân, rồi viết lên mảnh vườn bên nhà. Sau đó đã dùng những cục than đen, phấn trắng thậm chí là nhặt được viên gạch đỏ, cứ cái nào có thể kẹp chân viết được, chỗ nào có thể viết được là ông cho con tập viết. Những lần nhìn thấy bàn chân bị thương do xước khi tập viết, ông chỉ biết nhìn con mà khóc.
Những năm khổ luyện tập viết bằng chân rồi Phú cũng thành thạo. Năm lên 8 tuổi Phú lại quay lại trường xin học lại. Sau một thời gian ngắn, Phú đã lấy được tình cảm từ thầy cô, bạn bè từ những nét viết đầy tròn trịa. Nhiều người xung quanh không tin rằng em có thể viết chữ đẹp hơn bao bạn bè khác bằng chân. Đó là một điều kỳ diệu đã đến với Phú.
Đôi chân không chỉ viết chữ đẹp, nó đã viết lên một câu chuyện dành riêng cho Phú. Từ đánh răng, rửa mặt, ăn uống cho đến xâu kim, may vá quần áo, gõ bàn phím máy tính, nhắn tin trên điện thoại di động... đều được đôi bàn chân của Phú thao tác rất thành thục.
![]() | |
Hai bố con | Ảnh: Thanh Bình |
Nhưng đấy chưa phải là tất cả nhưng gì chàng trai tật nguyền này làm được. Ý chí, nghị lực và cả sự khổ luyện đã giúp Phú trở thành một học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Nhìn vào bảng thành tích của Phú, không ít người phải nể phục. Năm 2005 Phú là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Nghệ An, đại biểu Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, đại biểu Hiệp sỹ công nghệ thông tin, 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc. Năm 2006, Phú được trao giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20”, được bầu vào đoàn chủ tịch Đại hội Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghệ An.
Trong suốt những năm học tiểu học, Nguyễn Minh Phú liên tục là học sinh giỏi cấp trường, được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng, sao đỏ và cán bộ Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường. Năm 2002, Phú đạt giải đặc biệt cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp’ cấp huyện. Phú cũng là học sinh giỏi bộ môn tiếng Anh cấp huyện nhiều năm liền và trong năm học 2010-2011 Phú cũng được chọn vào đội tuyển dự thi Học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Quỳnh Lộc mỉm cười khi biết người con đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn này, đúng tâm niệm của ông rằng không có tay, nhưng đừng vì thế mà không cống hiến cho xã hội.
Khi được hỏi về ước mơ, Phú cười khẽ và bảo: Sau này em muốn trở thành một phiên dịch viên. Để cụ thể ước mơ của mình, Phú dồn tâm huyết vào bộ môn tiếng Anh. Phú cũng bỏ học ngành công nghệ thông tin. Hỏi tại sao lại bỏ ngành đó, em trả lời rằng em muốn làm Nick Vujicic ở Việt Nam. Vì thế em đã chuyển môn học sang quản trị kinh doanh. Khi thành tài, em sẽ phấn đấu hoàn thiện bản thân mình, sau đó giúp đỡ lại ba mẹ và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như em.
Hiện tại, Phú đang học Quản trị Kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuy thiệt thòi không có tay nhưng em vẫn nỗ lực học tập và luôn đạt đạt được thành tích khá trong học tập. Bố em, ông Nguyễn Quỳnh Lộc thương con đã cùng lên thành phố cùng con, ông đã xin nhà trường vào làm và được chấp nhận với mức lương 2 triệu đủ cho hai bố trang trải cuộc sống trên thành phố.