![]() Nghệ nhân Nguyễn Tư Viện, làng mộc Chàng Sơn |
Huyền thoại ngày ấy
Trong tuyển tập Vang bóng một thời nổi tiếng của mình, nhà văn Nguyễn Tuân đã dành cho xóm mộc xứ Chàng những dòng như: “Làng Chàng Thôn (tên gọi cũ của Chàng Sơn ngày nay), tổng Kim Quan, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây là một khu trung du mà hai phần ba dân số làm nghề thợ mộc. Cái chàng, cái đục của dân Chàng Thôn không những được người trần biết đến mà thỉnh thoảng cứ dăm bảy năm một, lại có người tiên trên núi hạ sơn cầu đến...” Giai thoại về ngôi làng có nhiều người thợ mộc tài hoa đến mức đích thân thánh Tản Viên (trên đỉnh non Tản) xuống núi mời lên để sửa đình thờ cho mình mà Nguyễn Tuân nhắc đến trong tác phẩm của mình hầu như mọi người con xóm Chàng ai cũng thuộc. Thật hư của giai thoại ấy thế nào không ai rõ nhưng những nghệ nhân cao niên trong làng khẳng định, làng nghề mộc Chàng Sơn đã tồn tại và có tiếng từ thời Hùng Vương dựng nước. Các đời vua chúa về sau, mỗi khi có công trình xây dựng hay tu sửa cung điện, lăng tẩm, đều triệu những thợ mộc xóm Chàng vào kinh. Chỉ có những người thợ tài hoa, khéo léo và cẩn trọng Chàng Sơn mới có thể tạc nên những hoa văn cầu kỳ, tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của những bậc quân vương sành sỏi và khó tính nhất.
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa có thể làm nên những công trình đi vào huyền thoại như thế. Sản phẩm của họ làm ra không còn dành cho những bậc vua chúa mà để bán cho khách thập phương, từ những người bình dân nhất đến những khách hàng sành sỏi nhất. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà sản phẩm mộc xóm Chàng giảm giá trị. Vẫn còn đó những hoa văn, đường nét đục đẽo tinh xảo mà chỉ đôi tay người thợ mới có thể làm ra. Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm mỗi lần được nhìn, được tiếp xúc và được trở thành chủ nhân của những sản phẩm ấy.
Trăn trở chuyện thương hiệu
Trò chuyện với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Nguyễn Kim Toàn cho biết, trong tổng số hơn 1.800 hộ với khoảng trên dưới 8.000 nhân khẩu của xã Chàng Sơn hiện nay thì có tới hơn 70% làm các nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó nghề mộc chiếm đa số. Ngày trước nghề mộc chỉ được coi là nghề phụ nhằm giải quyết nhu cầu việc làm và kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Nhưng trên thực tế, với diện tích ruộng bình quân đầu người của xã quá thấp (10 thước/người) thì chính nghề được coi là nghề phụ này lại trở thành nghề chính nuôi sống các gia đình. Không tính những người vốn lớn, tự đứng ra mở xưởng sản xuất hoặc thành lập công ty môi giới, buôn bán các sản phẩm mộc thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì với giá tiền công hiện nay cho một người thợ làm thuê là 100.000 đồng/ngày, trung bình mỗi tháng một người thợ lành nghề cũng có thu nhập 2 - 3 triệu đồng. “Trong tương lai, khi quá trình đô thị hóa về đến Chàng Sơn, sẽ có nhiều diện tích đất nông nghiệp biến thành đất đô thị hoặc khu công nghiệp. Quỹ đất nông nghiệp của xã đã ít sẽ càng ít hơn. Khi đó những nghề thủ công nghiệp như nghề mộc sẽ có vai trò quan trọng đối với đời sống người dân”, ông Toàn trăn trở.
|
Một khó khăn nữa đối với làng mộc Chàng Sơn là mặc dù sản phẩm của làng đã nổi tiếng từ lâu nhưng đến nay chưa có thương hiệu dành cho đồ mộc của làng. Những sản phẩm tinh xảo do đôi tay người thợ xóm Chàng làm ra, ngay sau khi ra khỏi cổng làng, rất có thể nó sẽ mang tên người khác. Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Nguyễn Kim Toàn phân trần: “Trong cơ chế thị trường mở cửa như hiện nay thì thương hiệu là vấn đề cốt tử đối với sự sinh tồn của một làng nghề. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tình trạng sản xuất trong làng còn phân tán, không có quy hoạch. Phần lớn người dân quen với việc “mạnh ai nấy làm”, tự làm ra sản phẩm và tự tìm mối buôn bán. Chính vì thế, không có một hiệp hội, một tổ chức nào đứng ra đăng ký thương hiệu cho làng. Chúng tôi đang xúc tiến việc này, hy vọng không lâu nữa, sản phẩm gỗ mộc Chàng Sơn sẽ có thương hiệu riêng”.