Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược
Tại Hội nghị, đại diện Cục Dân số cho biết, năm 2023, công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Điều đó thể hiện dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển.
Tuy nhiên, năm 2023, một số chỉ tiêu công tác dân số không hoàn thành, rất nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế, còn biến động khó lường; hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa được đầu tư đúng mức làm giảm độ tin cậy đáp ứng yêu cầu.
Để công tác dân số tiếp tục triển khai và hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số Phạm Vũ Hoàng cho biết, Cục kiến nghị với Bộ Y tế được ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030; Sớm ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế.
Đồng thời cũng kiến nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương mua phương tiện tránh thai miễn phí cho người dân tại các địa phương có mức sinh cao và đối tượng ưu tiên.
Bên cạnh đó, kiến nghị với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND: Lồng ghép các yếu tố dân số vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai, thực hiện; ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, NQ137/NQ-CP; bố trí đủ kinh phí từ ngân sách của địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về dân số.
Ban hành theo thẩm quyền quy định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương, cơ chế đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cá nhân cung cấp các dịch vụ dân số phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố giữ ổn định tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ làm công tác dân số đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm trong việc tổ chức thực hiện; kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.
Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công; Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua; Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực.
Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ dân số.
Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng thời, đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành và hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành dân số cả nước cần chú trọng: đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương và đất nước.
Hai là, đổi mới, đa dạng hóa các loại hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đến bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Thí điểm triển khai mô hình Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ban ngày.
Bốn là, cung cấp các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù như vị thành niên, thanh niên, người di cư.