Thông qua hoạt động của phiên chợ, người tiêu dùng Thủ đô nói riêng và người tiêu dùng cả nước sẽ có dịp tìm hiểu trải nghiệm nhận diện thương hiệu, phân biệt na Chi Lăng với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Theo đại diện ban tổ chức, phiên chợ có các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP đã được xếp hạng 3 đến 5 sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm và nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản nổi tiếng gắn với các địa danh như: nhãn lồng Hưng Yên; hoa Hồi, quả mắc mật khô, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên Văn Lãng, thạch đen Tràng Định, chanh rừng - gà 6 ngón Mẫu Sơn, thanh Long Bình Gia, trà diếp các Lụa Vỹ, hạt dẻ - Lạng Sơn; hành, tỏi Lý Sơn; trà Shan tuyết Hà Giang...
Điểm nhấn của phiên chợ là khu gian hàng quảng bá, giới thiệu na Chi Lăng - sản vật bậc nhất xứ Lạng từ vách núi đá vôi và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn. Na Chi Lăng, trái cây Lạng Sơn được thị trường trong nước rất ưa chuộng, đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng và đang vươn mạnh sang thị trường các quốc gia như: Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu cho biết, tỉnh mong muốn người tiêu dùng Thủ đô biết đến nhiều sản phẩm nông sản của Lạng Sơn hơn; trong đó có quả na. Lạng Sơn có 4.000 ha na, lớn nhất cả nước. Sản phẩm sản xuất theo VietGAP đã được gắn tem nhận diện. Tỉnh cũng đã xây dựng mã số vùng trồng để đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Là một trong những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dân nông dân đầu tư trong chăm sóc vườn cây, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với các nông sản chủ lực khác, bà Đinh Thị Thu cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến xây dựng mã số vùng trồng như thạch đen đã được trên 1.000 ha... Tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo mã số vùng trồng được sử dụng đúng và chất lượng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tăng mã số vùng trồng để nhiều nông sản Lạng Sơn ra thị trường thế giới hơn.
Trong khuôn khổ phiên chợ, Ban tổ chức sẽ tổ chức các sự kiện quảng bá giới thiệu sản phẩm, các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm như livestream bán sản phẩm, tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cách thức tham gia một số sàn thương mại điện tử và thực hành mở tài khoản/kênh, làm nội dung livestream bán hàng qua mạng xã hội và một số hoạt động văn hóa khác…
Với sản phẩm đa dạng, đặc sắc và nhiều hoạt động được tổ chức, phiên chợ sẽ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh kết nối tiêu thụ nông sản.