Một số thí sinh dù trên lớp đạt điểm cao, thậm chí sau khi thi xong vẫn hào hứng và tin tưởng mình đã làm bài tốt, nhưng kết quả nhận được lại chưa cao.
Điểm bài thi Ngữ văn được quyết định bởi nhiều yếu tố
Là người trực tiếp tham gia công tác chấm thi trong một số kỳ thi quan trọng, cô Đình Thị Thuỷ, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường liên cấp Tiểu Học, THCS và THPT Phenikaa chia sẻ, điểm bài thi Ngữ văn cao hay thấp được quyết định bởi nhiều yếu tố. Thí sinh cần đảm bảo kiến thức, yêu cầu của đề, đảm bảo kỹ năng để thực hành và đảm bảo được sự tỉnh táo của mình trong phân phối thời gian.
Theo cô Thuỷ, việc một số học sinh “học được” trên lớp nhưng đi thi không được điểm cao có thể do một số lý do. Thứ nhất là vấn đề tâm lý. Có thể do trong bài thi đó, các em ở chính giây phút quyết định đã chưa thật sự tỉnh táo và tận dụng được tất cả năng lượng tốt của mình để hoàn thành bài thi.
Thứ hai, một số học sinh thiếu kỹ năng, nhất là trong việc phân tích đề thi, năng lực cảm thụ vấn đề để trả lời tốt cả các câu hỏi phụ và câu hỏi phân hoá. Nhiều em có tâm hồn văn chương, có cảm xúc nhưng lại không rèn luyện cho mình đủ các kỹ năng.
“Nếu chỉ diễn giải tràn lan mà thiếu tính logic, hệ thống ý rõ ràng thì sẽ rất khó có điểm cao, vì bây giờ chúng ta chấm ý rất nhiều. Tôi luôn lưu ý học sinh khi làm bài rằng: "đúng trước, hay sau". Rõ ràng để “hay”, các em phải có vốn kiến thức về cả lý luận văn học, liên hệ, so sánh. Nhưng có những bạn liên hệ, so sánh rất nhiều, trong khi không rõ ràng về hệ thống ý, chưa giải quyết đúng yêu cầu của đề bài thì sẽ bị điểm thấp”, cô Thuỷ nói.

Về việc một số thí sinh rất tự tin khi ra khỏi phòng thi, cho rằng mình đã làm tốt nhưng lại nhận về kết quả chưa tốt, cô Thuỷ cho rằng điều này nằm ở khả năng tự đánh giá của các em. Những câu hỏi tái hiện, các em có thể dễ nhìn thấy được điểm của mình. Nhưng với các câu hỏi thông hiểu và vận dụng, nhất là câu vận dụng cao, điểm số còn phụ thuộc vào mức độ liên hệ được với thực tế, khả năng diễn đạt đã tròn trịa, trọn vẹn chưa,…
Ngoài, do các thầy cô chấm thi căn cứ vào thang điểm của Bộ GD-ĐT, nên nếu thí sinh viết tốt mà thiếu ý trong thang điểm thì cũng không thể đạt số điểm trọn vẹn.
“Ví dụ, một biện pháp so sánh được sử dụng có nhiều tác dụng. Thí sinh phân tích rất sâu, rất hay về việc biện pháp so sánh này giúp thể hiện được xúc cảm của mẹ đối với con, tình mẫu tử bao la,… nhưng trong đáp án của Bộ GD-ĐT cần một ý nữa là "làm cho câu văn sinh động". Như vậy, vì thiếu hẳn một ý nên dù làm sâu tới đâu, thí sinh vẫn không thể đạt điểm tối đa ở câu hỏi đó”, cô Thuỷ nêu dẫn chứng.
Cô Đình Thị Thuỷ nhấn mạnh, một bài thi Ngữ văn đạt điểm 9 trở lên thường phải đảm bảo cân đối, “tròn trịa” từ phần đọc hiểu đến phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học; phải thể hiện được tư duy, năng lực văn học có sự biến hóa.
Cụ thể, ở phần Nghị luận xã hội, thí sinh cần thể hiện được sự mạch lạc, khúc chiết, chính kiến rõ ràng. Ở câu nghị luận văn học cần có sự phong phú, mềm mại hay cảm xúc. Những bài điểm thấp cũng có thể do các em còn hạn chế ở một phần nào đó; hoặc vì cảm xúc quá mà chính kiến hay lập luận logic còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một khía cạnh nhỏ khác quyết định điểm số là phụ thuộc vào “điểm chạm” của người giám khảo chấm bài. Tuy nhiên, điều này không đáng kể bởi Bộ GD-ĐT đã có thang điểm chấm thi rõ ràng và các giám khảo sẽ phải trao đổi, thảo luận lại kỹ lưỡng nếu điểm từng người chấm có độ vênh.
“Để chủ động được trong phòng thi, văn chương phải là của chính các em”
Đưa ra lời khuyên tới thí sinh sắp bước vào các kỳ thi quan trọng, đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm tới, cô Đình Thị Thuỷ lưu ý, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất các em cần trang bị là kiến thức sâu, kiến thức bản chất nhất để có thể áp dụng được với các kiểu câu hỏi trong đề thi. Bởi chúng ta rất khó có thể lường trước được tất cả yêu cầu phụ trong đề.
Để có thể hoàn thành tốt các yêu cầu phụ, bản thân thí sinh phải làm chủ được kiến thức của từng tác phẩm, hiểu bản chất cả về phương diện nội dung lẫn nghệ thuật; trang bị kiến thức về đọc hiểu nghị luận (có nghĩa có năng lực đọc và hiểu được tất cả các loại văn bản).
Bên cạnh đó, cần có kỹ năng làm bài, trình bày và trả lời các dạng câu hỏi thật thành thục. Theo cô Thuỷ, một số học sinh vẫn bị phân tách giữa môn học với cuộc sống nên đôi khi cảm thấy môn Văn khó khăn. Nhưng khi các em đã được “chạm tới”, hiểu được môn Văn rất gần gũi sẽ dễ tiếp thu và học tốt hơn.
Cô Thuỷ cũng khuyên thí sinh nên chuẩn bị trước những nội dung có thể chuẩn bị một cách chu đáo; chủ động trao đổi với giáo viên để thấy thế mạnh cũng như hạn chế của bạn thân. Từ đó, phát huy thế mạnh, cải thiện nhược điểm và tự tin làm tốt nhất theo khả năng.
“Văn chương vẫn phải là của chính các em, khi ấy các em sẽ tự tin. Còn học theo cách đọc chép, “sao y bản chính”, học thuộc bài văn của giáo viên hay của bạn bè, các em hoàn toàn không thể chủ động trong phòng thi được, khó có điểm cao”, cô Thuỷ nhắn nhủ.