“Lũ sông Hồng hiện đang lên, nhưng ngập vào trong nội thành Hà Nội là việc không có”, ông Vũ Đức Long khẳng định.
Theo ông Long, đến trưa 11.9, mực nước lũ trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,1m, trên báo động 2 là 0,6m.
Tuy nhiên, lũ và ngập lụt chỉ xảy ra ở các khu vực ngoài đê như Phúc Tân, Phúc Xá, Bạch Đằng của quận Hoàn Kiếm..., không ngập vào trong nội đô.
Thông tin về diễn biến lũ hiện nay, ông Long cho biết, hiện đã có những thông tin khá tích cực. Cụ thể, một số sông thượng nguồn như sông Thao, mực nước tại trạm Lào Cai, Yên Bái đều đã đạt đỉnh và đang xuống.
Bên cạnh đó, sáng nay, hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng cửa xả đáy cuối cùng. Hồ thủy điện Tuyên Quang cũng tiếp tục đóng thêm một cửa xả. Như vậy, lượng nước từ phía thượng nguồn về hạ lưu có thể được giảm tải.
Tuy nhiên, những bất lợi vẫn còn tồn tại. Theo đó, hiện nay trên sông Thao, mực nước tuy xuống nhưng vẫn còn ở mức rất cao và rút rất chậm. Đặc biệt, vùng hạ lưu đồng bằng sông Hồng, mực nước tại hầu hết các trạm trên các lưu vực sông đều đã xuất hiện ở mức báo động 3 trở lên. Một số sông đã xuất hiện lũ lịch sử.
“Lượng nước từ thượng nguồn dồn xuống, ở dưới hạ lưu thì mực nước đang cao, nên khả năng tiêu thoát nhanh về mực nước lũ, ngập lụt sẽ chậm. Như vậy, thời gian ngập lụt sẽ còn kéo dài, dự báo ít nhất còn kéo dài trong 2 - 3 ngày tới”, ông Long cho hay.
Vụ Trưởng Vụ Quản lý dự báo Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh, vùng hạ lưu thời điểm này đang là trọng điểm. Mực nước tại hầu hết các trạm ở vùng hạ lưu các sông đều đã lên mức báo động 3. Tại hạ lưu sông Hồng, những tỉnh ảnh hưởng trực tiếp là Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định,...
Theo bản tin cập nhật lúc 15h30’ của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lũ trên sông Hồng (Hà Nội) vẫn đang lên. Mực nước đo lúc 13h ngày 11.9 trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,14m, dưới báo động 3 khoảng 0,36m.
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.