Xây dựng hệ sinh thái tổ chức kinh tế tập thể cùng liên kết, hợp tác, đổi mới, năng động
Luật HTX đã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012. Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong phát triển các HTX tại Việt Nam; tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của HTX trên thế giới và bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Số lượng HTX trong cả nước không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại các địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình phát triển kinh tế HTX của nước ta còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức như điều kiện kinh tế của nhiều thành viên HTX còn thấp; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu; hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn; các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX; không ít HTX gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, khoa học công nghệ, thị trường; áp lực cạnh tranh ngày càng cao trong nền kinh tế thị trường; bất ổn chính trị tiếp tục leo thang...
Nhằm khắc phục, đáp ứng trước những khó khăn, thách thức, phù hợp với yêu cầu phát triển thực tiễn, ngày 20.6.2023, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật HTX số 17 năm 2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024, thay thế Luật HTX số 23 năm 2012/QH13. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng 3 trong số 4 văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HTX.
Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến vào Nghị định, tập trung vào các vấn đề: quy mô HTX như thế nào để phù hợp với thực tiễn phát triển của các HTX; quy định các tiêu chí để xem xét các đối tượng được lựa chọn thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như thế nào để bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận đối với các HTX; các quy định liên quan đến xử lý quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của HTX theo nguồn hình thành khi giải thể, phá sản; các quy định liên quan đến hoạt động cho vay nội bộ…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Chu Thị Vinh đánh giá ý kiến của các đại biểu là xác đáng, tâm huyết, gắn với thực tiễn; đơn vị sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào trong dự thảo Nghị định; để khi Nghị định được ban hành thì các tổ chức kinh tế tập thể có được khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, dễ dàng thực hiện trong quá trình tổ chức, hoạt động.
Bà Chu Thị Vinh mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm, đồng hành, chung tay hành động xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế tập thể cùng liên kết, hợp tác, đổi mới, năng động và phát triển vững mạnh, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước.
Nhiều điểm mới được bổ sung
Luật HTX 2023 có 12 Chương và 115 điều, có một số điểm mới được bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tế mới.
Thứ nhất, Luật HTX 2023 đã hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên với quy định về mở rộng đối tượng tham gia HTX, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; đồng thời bổ sung yêu cầu trích lập Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình HTX nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.
Thứ hai, Luật HTX 2023 đã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển của HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.
Thứ ba, Luật HTX 2023 đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX với việc bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.
Thứ tư, phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện: đã bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể bằng cách đơn giản hóa, số hóa các thủ tục về đăng ký, tổ chức lại, giải thể HTX theo hướng bổ sung quy định về xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về HTX; thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển.