Đặt quyền lợi của người tham gia lên hàng đầu
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, giữa bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, ngành BHXH vẫn nỗ lực đạt nhiều kết quả tích cực trên mọi mặt công tác; chủ động bám sát, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến hết tháng 6.2022 có 16,822 triệu người tham gia, đạt 87,7% kế hoạch, tương đương 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 81,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 275,5 nghìn người so với cuối năm 2021. Riêng số người tham gia BHYT giảm so với cùng kỳ và giảm so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng vẫn tăng 280 nghìn người so với tháng trước. Hiện, toàn quốc đã có 86,538 triệu người tham gia BHYT, đạt 94,3% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 88,66% dân số.
Theo đó, BHXH Việt Nam tập trung nhân lực, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và xác nhận sớm nhất việc tham gia BHXH bắt buộc của người lao động. Kết quả, đến ngày 10.7, với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan BHXH đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.775.210 người lao động; với người lao động quay trở lại thị trường lao động, cơ quan BHXH đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 84.889 người...
Giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, vai trò của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội càng được khẳng định. Các nội dung mới phát sinh trong tổ chức thực hiện đã được chỉ đạo triển khai kịp thời, không gây ách tắc trong việc giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 590.844 người hưởng trợ cấp một lần (trong đó 481.677 người nghỉ việc rút BHXH một lần); giải quyết 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành lao động giải quyết cho 443.457 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
“Việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động tăng 47,42% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do số lượng đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động mắc Covid-19 tăng. Từ năm 2021 đến 24.6.2022, có tổng số 2.318.567 lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau do Covid-19, với tổng số tiền 3.081 tỷ đồng” - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ thông tin.
Chủ động các phương án “từ sớm, từ xa”
Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhận định, bài học đầu tiên cho thành công này sự là quyết liệt, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ từ từng đơn vị, cá nhân lãnh đạo, công chức, viên chức của ngành BHXH Việt Nam.
Thứ hai là hiệu quả từ sự chủ động của BHXH các địa phương với nhiều mô hình, cách làm hay phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Cùng với đó, BHXH nhiều địa phương cũng ứng dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, phối hợp với cơ quan Thuế rà soát dữ liệu người lao động chưa tham gia BHXH, BHYT; nắm bắt tình hình để đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ với người lao động.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu, BHXH các địa phương và Ban Thực hiện chính sách BHYT chủ động chuẩn bị cơ sở dữ liệu để ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2021, bảo đảm triển khai quyết toán nhanh, đúng quy định. Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng lưu ý, BHXH các tỉnh phải thẩm định, kiểm tra kỹ khi tiếp nhận các trường hợp hưởng BHXH một lần, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người lao động và các quy định pháp luật...
“Các đơn vị và BHXH các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cần phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.