Hơn 72% trẻ em từ 10-14 tuổi đã từng bị kỉ luật bằng bạo lực
Các học sinh tham gia Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ vị thành niên tại Việt Nam của UNICEF đã tự báo cáo các triệu chứng của mình, trong đó khoảng 26% có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần từ trung bình đến cao.
Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên liên quan tới trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác hiện đang là mối quan ngại lớn. Cụ thể có 21,4% trẻ em gái và 7,9% trẻ em trai trong độ tuổi vị thành niên chia rẻ rằng từng có suy nghĩ về việc tự sát, trong khi một nghiên cứu khác đề cập rằng có 5,8% trẻ vị thành niên từng cố gắng tự sát.
Đáng lưu tâm, có rất ít trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần được điều trị hay hỗ trợ, một phần bởi sự thiếu hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần, kỳ thị xã hội, cũng như các dịch vụ và nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế.
Học sinh tại Việt Nam thường không cảm thấy thoải mái khi tìm tới giáo viên để nhờ hỗ trợ về mặt học tập hay cảm xúc xã hội. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số phải chịu cảnh nghèo đói, bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội; học sinh thuộc nhóm LGBTQ phải đối mặt với những thách thức riêng, bao gồm phản ứng tiêu cực của gia đình đối với bản dạng giới hoặc khuynh hướng tính dục của họ, cũng như nỗi sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các yếu tố nguy cơ chính đối với sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên là tình trạng di cư, sức khỏe tâm thần của người chăm sóc, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái kém, cảm giác không có kết nối tại trường học; trải nghiệm bị lạm dụng, chấn thương và bỏ mặc. Hơn 72% trẻ em từ 10-14 tuổi đã từng bị kỉ luật bằng bạo lực; 47% bị xâm hại thể chất, gần 20% bị xâm hại tình dục và 29% bị bỏ mặc.
Khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn
Cho đến nay có nhiều chính sách liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và sức khoẻ tâm thần của trẻ em nói riêng được ban hành. Các chính sách này bao gồm từ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phát triển các chương trình tư vấn học đường, cung cấp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, giải quyết tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của học sinh, đến nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và kỹ năng sức khỏe tâm thần của học sinh thông qua Chương trình Sức khỏe học đường toàn diện. Và, từ năm 1999, Bộ Y tế đã triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, với trọng tâm ban đầu là bệnh tâm thần nặng ở người lớn; và đến năm 2005, trọng tâm được mở rộng sang các rối loạn sức khỏe tâm thần thông thường và sức khỏe tâm thần trẻ em.
Quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật này cho thấy, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng vẫn có khoảng cách giữa các chính sách và khâu tổ chức thực hiện. Đơn cử, nhiều trường học vẫn thiếu các phòng chuyên về tư vấn tâm lý học đường và cán bộ tham vấn đã được đào tạo bài bản. Thực tế cho thấy, mặc dù các giáo viên đã nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong việc xác định các vấn đề sức khỏe tâm thần và hỗ trợ học sinh, nhưng họ gặo không ít rào cản như sĩ số lớp học đông, giáo viên phải chạy theo chương trình…
Trong bối cảnh đó, nhận thức của cha mẹ về vấn đề này cũng còn ít, nhiều hạn chế. Không hiếm em chia sẻ “bố mẹ đi làm về mệt mỏi, đã trút giận lên đầu con. Họ dễ cáu giận lắm”. Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho rằng, có rất ít trẻ vị thành niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần được điều trị hay hỗ trợ. Bây giờ là lúc chúng ta thay đổi điều này thông qua những nỗ lực tổng thể, từ người hoạch định chính sách đến các trường học, các bậc cha mẹ và cộng đồng quốc tế”.
Giáo viên Lê Thị Thu Hà, Trường Trường THPT Anh Sơn 1, huyện Anh Sơn, Nghệ An chia sẻ, tôi muốn có một khóa học dành cho các giáo viên, trong đó đi sâu tìm hiểu các triệu chứng của sức khỏe tâm thần, phát hiện những dấu hiệu ở giai đoạn đầu, cũng như các dấu hiệu khó nhận thấy của vấn đề tâm thần hoặc tổn thương tâm lý. Giáo viên cần có khả năng phát hiện sớm các triệu chứng về sức khỏe tâm thần để thông báo cho gia đình và có hướng giải quyết”. Đây có lẽ không chỉ là mong muốn của cô Hà.
Có thể thấy, bảo vệ trẻ em không chỉ dừng lại ở phía nhà trường, xã hội mà cần sự chung tay của gia đình. Để gia đình cùng chung tay, các bậc cha mẹ cũng cần được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng kết nối với con cái, cũng như thúc đẩy phát triển xã hội, tình cảm, thể chất và nhận thức của con. Bên cạnh các chương trình đào tạo và tư vấn nên chia sẻ kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em, bao gồm thực hành kỉ luật phi bạo lực và giao tiếp với trẻ vị thành niên.