Theo đó, giúp các nhà trường có định hướng trong xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn phù hợp công tác tuyển sinh của các trường đại học.
Chủ động chuẩn bị, tuyên truyền
Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên Nguyễn Thị Hiền khẳng định, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là động lực quan trọng giúp Trường THPT Kim Liên quyết tâm thực hiện đổi mới giáo dục.
Nhà trường đã tập trung nguồn lực để làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, tranh thủ sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và học sinh.
“Điểm mấu chốt quan trọng trong triển khai Nghị quyết số 88 là nâng cao nhận thức của giáo viên để từ đó thống nhất, triển khai tốt vào thực tế. Trong các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn đã lồng ghép tuyên truyền về chương trình, sách giáo khoa mới và có kiểm tra, đánh giá cụ thể ở từng tổ chuyên môn trong thực hiện”, cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Cô giáo Phan Thị Kim Ngân, Tổ Hóa - Sinh, cho biết, ở môn học liên môn Hóa - Sinh, các thầy cô giáo thường xuyên cập nhật những hoạt chất mới để học sinh làm thí nghiệm. “Nội dung dạy và học liên thông và phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ, trong đợt dịch Covid-19, chúng tôi cũng kết hợp giảng dạy cho học sinh về cơ chế của vaccine hay tình trạng kháng kháng sinh”.
Với môn học Lịch sử, cô giáo Ngô Thị Phương, Tổ trưởng bộ môn Khoa học xã hội cho biết, ở chương trình mới, môn Lịch sử đã được chắt lọc, ít hàn lâm, đi vào trọng tâm, không yêu cầu học sinh nhớ tất cả số liệu, sự kiện mà hướng đến giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đồng thời, phương tiện dạy học, tài liệu môn Lịch sử hiện nay cũng phong phú, các video clip, phim tư liệu chính thống được tiếp cận dễ dàng hơn, do đó, việc đưa các minh chứng vào giảng dạy cũng giúp môn Lịch sử sinh động và trực quan hơn.
Tuy nhiên, cô giáo Ngô Thị Phương cũng chia sẻ, việc môn Lịch sử chuyển từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc và cắt giảm từ 70 tiết xuống còn 52 tiết, ít nhiều ảnh hưởng đến việc soạn giáo án và giảng dạy của giáo viên.
Thừa - thiếu giáo viên khiến phân công chuyên môn khó đồng đều
Dù có nhiều thuận lợi, song Trường THPT Kim Liên cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Các dãy nhà học đưa vào sử dụng trên 30 năm (từ năm 1990), bị xuống cấp. Trường không có nhà đa năng, thiết bị dạy học thiếu, cũ kỹ, chưa được đầu tư mua sắm tập trung đúng hạng mục đề xuất, do đó, chưa đáp ứng hết mục tiêu giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên Nguyễn Thị Hiền cũng cho biết, do cơ cấu giáo viên dịch chuyển theo nhu cầu các môn học lựa chọn của học sinh, dẫn đến hiện tượng thừa giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thiếu giáo viên Âm nhạc, Tin học. “Hiện tại vẫn triển khai song song Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì số giáo viên này chưa thừa, nhưng khi tất cả các lớp triển khai theo chương trình mới, trường sẽ thừa 2 giáo viên Vật lý, 1 giáo viên Hóa học, dẫn đến công tác phân công chuyên môn khó đồng đều”.
Theo cô Hiền, các khóa tập huấn về sách giáo khoa hàng năm chủ yếu được thực hiện trực tuyến, ngắn ngày, do đó, giáo viên chưa có nhiều cơ hội thực hành, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và thực hiện chương trình của các giáo viên cũng như các chuyên gia xây dựng chương trình và viết sách.
Việc lựa chọn sách giáo khoa trong nhiều bộ sách giáo khoa đến từ các nhà xuất bản khác nhau cũng khiến cho giáo viên, phụ huynh và học sinh băn khoăn. Bởi sự khác nhau trong sắp xếp thứ tự nội dung kiến thức, phạm vi kiến thức, ví dụ minh họa, bài toán, tranh ảnh… cũng ảnh hưởng tới học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp hay kỳ thi tốt nghiệp THPT…
Trường THPT Kim Liên đề xuất, sau mỗi năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức hội thảo, mời giáo viên dạy ở các trường phổ thông có nhiều kinh nghiệm, thảo luận, đánh giá các chủ đề, bài dạy, những nội dung cần xem xét lại, mức độ kiến thức, vận dụng, số tiết… để phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Nhà trường cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, để các nhà trường có định hướng trong xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn phù hợp công tác tuyển sinh của các trường đại học.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ ghi nhận sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà trường, tâm huyết của thầy cô giáo, sự hào hứng của học sinh lớp 10 khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Chúng tôi thực sự chia sẻ áp lực với nhà trường, cũng ghi nhận nỗ lực của Nhà trường đã chủ động với nhiều cách làm linh hoạt để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Phó Chủ nhiệm Đinh Công Sỹ nói.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện gần 3 năm, cần có đánh giá khách quan. Những bất cập các thầy cô phản ánh, kiến nghị của nhà trường sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu.