Thu hút vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.723 tỷ đồng
Sau nhiều năm phát triển, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang chuyển mình để trở thành một Khu công nghệ cao thông minh, phát triển một hệ sinh thái toàn diện với tư duy mở về đổi mới sáng tạo, giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN) như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, Công nghệ sinh học phục vụ y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa...

Tính đến hết tháng 1.2023, đã có 100 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định giao đất vào Khu CNC Hòa Lạc (bao gồm 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.723 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 370 ha, trong đó có nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.
Hiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc có quy mô gần 1.600 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng, và là khu công nghệ cao duy nhất trên cả nước không trực thuộc chính quyền địa phương.
Sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I.2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra chiều 5.4.2023, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ, trong quý I, Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 4 văn bản đề án, đồng thời, phối hợp với UBND TP. Hà Nội xây dựng, hoàn thiện đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội.
Việc chuyển giao thực hiện theo chủ trương chung trong Nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ qua các thời kỳ. Từ khi thành lập, quy hoạch của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được điều chỉnh 2 lần: Lần 1 vào năm 2008 và lần 2, năm 2016.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết sự phát triển của Hòa Lạc trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, trong đó mất thời gian dài thực hiện giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, vấn đề phát triển giao thông, đô thị chưa tương xứng. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy kỳ vọng khi Hà Nội tiếp nhận sẽ giữ nguyên được tinh thần phát triển công nghệ lõi, sẽ có đầu tư thêm, thuận lợi hơn để phát triển đô thị xung quanh.
Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung thông tin thêm, hiện đề án chuyển giao đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ, trong đó có đánh giá phân tích tác động mô hình quản lý, dự báo, nêu các vấn đề tồn tại cần giải quyết khi phát triển mô hình.
"Đơn vị đang lấy ý kiến đánh giá, góp ý để hoàn thiện bổ sung báo cáo và có đánh giá về lộ trình, phân tích chính sách đầu tư để quyết định trên cơ sở sẵn sàng của Hà Nội để chuyển giao" - ông Trung cho biết.
Hiện nay cả nước có 3 Khu công nghệ cao quốc gia gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 288 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó khoảng hơn ¼ là các dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương hơn 17 tỷ USD; thu hút thành công nhiều tập đoàn/công ty lớn có uy tín trên thế giới đến đầu tư như: Samsung, Intel, Nidec, Hanwha, Jabil, Sonion, Sanofi, Microchip, Nipro, Datalogic…; đồng thời, có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam như: Như: Viettel; Vingroup; FPT; VNPT…