Diễn viên lớn cùng nhân vật
Poster Lời nói dối cuối cùng |
- Tại sao anh quyết định dựng lại vở Lời nói dối cuối cùng vào thời điểm này?
- Cuối năm 1985, lần đầu tiên Lời nói dối cuối cùng được đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành dàn dựng cho lớp diễn viên tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ ngày ấy như Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Đức Hải... và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Đây là một vở kịch đậm chất hài dân gian, hóm hỉnh nhưng vẫn mang thông điệp cốt yếu của Lưu Quang Vũ: Sự trung thực hay lòng tốt của con người phải được xây dựng trên cơ sở của chữ Chân, không thể dùng sự xảo biện, dối trá để đạt được những mục đích tốt đẹp.
31 năm đã trôi qua, nhưng thông điệp ấy vẫn đúng. Tác phẩm hội đủ tính thông điệp, dự báo, kết cấu vở diễn chặt chẽ, cũng như nhân vật có số phận. Sự tươi sáng và cái kết mang lại niềm hân hoan cho cả người xem lẫn người diễn, là hạnh phúc đủ đầy. Sức sống trường tồn nằm ở chính tác phẩm, chúng tôi chỉ là cây cầu tiếp nối, đưa tác phẩm giàu tính nhân văn, hấp dẫn và hay vô cùng ấy tới cho lớp khán giả trẻ hiện nay.
- Anh từng tâm sự, dựng tác phẩm của Lưu Quang Vũ dễ mà khó. Với Lời nói dối cuối cùng thì sao?
- Cũng vậy thôi. Dễ vì đọc rất hay, từng lời văn có thơ, từng lời thơ có văn, giàu tính biểu tượng. Nhưng khó vì đây là vở cổ, câu chuyện từ một tích dân gian, nếu giữ nguyên thì không tiếp cận được khán giả trẻ. Chưa kể áp lực giữ nguyên bản tác phẩm của Lưu Quang Vũ, vì nó quá hay. Chính vì thích kịch bản văn học này nên tôi mới dựng, nhưng dựng không thể xé tung ra, chắp vá lung tung. Từng câu chữ, từng hơi thở trong tác phẩm văn học, tôi khắt khe với cá nhân mình và với diễn viên.
- Ngoài thông điệp, anh quyết định phục dựng tác phẩm của Lưu Quang Vũ còn là vì diễn viên của mình?
- Tôi muốn tất cả diễn viên phải chen nhau để thấy rằng vinh dự khi được diễn kịch của Lưu Quang Vũ. Đời cười là để các bạn ấy kiếm sống, diễn viên có thể lớn, bé, giỏi, không giỏi, vào hài kịch đều được nếu có vở diễn tốt; nhưng phần lớn họ sẽ trở nên dễ dãi và nhỏ dần đi cùng với nhân vật. Khi dựng lại kịch Lưu Quang Vũ cách đây 4 năm (vở Mùa hạ cuối cùng - PV), tôi nói với diễn viên là tôi sẽ đưa các em vào một thế giới khác. Nhân vật của anh Vũ dù nhỏ cũng có tính cách và mang thông điệp nào đó, tôi gọi đó là những nhân vật lớn. Đặt diễn viên vào đó, các em buộc phải lớn lên theo từng đêm diễn, từng nhân vật.
Chuyện xưa, thông điệp nay
- Anh làm thế nào để lồng vào câu chuyện ngày xưa hơi thở hôm nay?
Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành, người được xem là dựng nhiều kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ nhất (22 vở), cho biết: “Kịch của Lưu Quang Vũ luôn phản ánh những sự oan khuất, bức xúc, những điều bất công hay thói xấu trong xã hội. Đặc biệt, anh luôn nhấn mạnh đến phẩm chất của con người, luôn tin tưởng vào những điều trong sáng, công bằng, vào lý tưởng để có thể dám đứng thẳng mình bảo vệ lẽ phải”. |
- Tôi hiểu khán giả của chúng tôi hiện nay rất muốn xem tác phẩm hay, hấp dẫn, có thông điệp, giàu nhân văn, nhưng cũng có chút lãng mạn và đặc biệt phải phê phán cái gì đó một cách mạnh mẽ. Tôi vẫn giữ thông điệp của Lưu Quang Vũ. Sự giả dối không thể có trong xã hội chúng ta, không thể chiếm lĩnh được xã hội hiện nay. Với người dân bình thường, sự giả dối ấy có thể không sao, nhưng những người có trách nhiệm, cầm cân nảy mực điều hành công việc nào đó, không trung thực với chính mình sẽ gây hậu quả vô cùng lớn cho xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi đưa vào vở kịch hơi thở mới, để bữa tiệc của anh Vũ vẹn đầy. Thanh niên thời nay nhảy hip-hop, poping và kể cho khán giả câu chuyện ngày xưa nhưng lồng thông điệp ngày nay.
- Với mong muốn đổi mới và tạo sự khác biệt, anh đã mời nhạc sĩ Quốc Trung sáng tác nhạc cho vở diễn theo phong cách dân gian đương đại; họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật sân khấu với cách xử lý không gian sân khấu mở cũng như mảng thiết kế trang phục...
- Vở diễn này được đầu tư cho phần âm nhạc của Nhà hát cao nhất từ trước đến nay, mặc dù vẫn ở mức thấp nhất đối với Quốc Trung. Tôi muốn thổi âm nhạc đương đại vào sân khấu, sử dụng toàn bộ khí cụ dân tộc. Những bài đồng dao được hát theo thể rap, hip-hop. Qua đó, tôi muốn kết nối tất cả những điều bây giờ nhìn về câu chuyện này, và ngày xưa nối với nhịp sống bây giờ. Tôi không muốn dùng nhiều thủ pháp ghê gớm rồi khán giả không hiểu gì.
Về ánh sáng, tôi yêu cầu chia làm 2 phần rõ rệt: Câu chuyện cổ thì sử dụng ánh sáng bình thường của sân khấu, tức là đường âm của ánh sáng; nhưng sang hip-hop, rap, thì phải là ánh sáng dương, ánh sáng xanh sắc lạnh, hắt chéo, khác hoàn toàn.
- Xin cảm ơn anh!