Các cơ quan chức năng của Quảng Trị đã tích cực phối hợp với chính quyền, đoàn thể... thực hiện lồng ghép chương trình giải quyết việc làm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như chương trình phát triển nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, chương trình xóa đói giảm nghèo.... tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Công tác dạy nghề được mở rộng về quy mô, chất lượng được nâng lên. Các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và người tàn tật; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và Chương trình xã hội hóa công tác dạy nghề đến 2010 cũng được chú trọng thực hiện. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề đến nay đạt 38,42% kế hoạch đến năm 2010. Đặc biệt, một số xã miền núi đã xây dựng được mô hình kinh tế có hiệu quả như xã Vĩnh Khê, Vĩnh Hà (Vĩnh Linh) xác định trồng cây cao su, trồng rừng là hướng phát triển lâu dài, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Một số huyện thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động như Triệu Phong, Vĩnh Linh, Hải Lăng. Đến cuối năm 2007, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 14.520 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 4,8% và nâng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 82%.
Tuy nhiên, trên địa bàn không có nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có quy mô và sức cạnh tranh lớn nên chưa thu hút và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản manh mún, các làng nghề truyền thống còn nhỏ lẻ. Mặt khác, các Trung tâm đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn trong việc dạy nghề và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động: Cơ sở vật chất và giáo viên của hệ thống Trung tâm Tổng hợp- dạy nghề ở các huyện còn thiếu; Trung tâm Tổng hợp- dạy nghề huyện Gio Linh xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho hoạt động dạy nghề… Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề truyền thống như thêu, ren, đan lát, làm chổi đót ở huyện miền núi như Đakrông đã được triển khai nhưng gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Chương trình đào tạo nghề gắn liền với chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật thông qua hoạt động khuyến nông, khuyến công không được thực hiện đồng bộ, dẫn đến đầu tư phân tán, kém hiệu quả. Công tác đào tạo nghề cho người lao động chưa gắn liền với việc giải quyết vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả thấp. Mặt khác, nhiều địa phương chưa chú trọng chính sách ưu đãi nên chưa thu hút được nguồn nhân lực có trình độ, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ.
Công tác xuất khẩu lao động- một hướng đi chiến lược trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động cũng đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn đối tác. Việc tư vấn đào tạo, bố trí vốn vay và thực hiện các cam kết, hợp đồng xuất khẩu lao động cũng chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động còn thấp. Trong năm 2007, toàn tỉnh có 17 trường hợp không thực hiện được hợp đồng lao động tại nước ngoài, một số trường hợp vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đến 2010, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 3,2% và nâng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 85%, các cơ quan chức năng của Quảng Trị cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là công tác xuất khẩu lao động. Việc thực hiện cũng cần căn cứ vào đặc điểm từng vùng, miền để có hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết cho người dân về các quy định của pháp luật khi tham gia lao động ở nước ngoài.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, ngoài sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành rất cần sự nỗ lực của chính người lao động. Tỉnh Quảng Trị cũng cần tăng cường chính sách thu hút đầu tư mở rộng ngành nghề và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và giải quyết tốt các vấn đề xã hội ở địa phương.
Hoàng Châu