Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực trên địa bàn theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính và các văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Đây là yêu cầu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Thành ủy Hà Nội.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Phí Minh Hải cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy và các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp đã bám sát Chương trình số 56-CTr/BCĐ, ngày 26.12.2023 của Ban Chỉ đạo CCTP Thành ủy. Các đơn vị cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay đã bảo đảm theo chương trình, kế hoạch đề ra.
Về nhiệm vụ cần triển khai thực hiện những tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, các ngành, đơn vị có liên quan cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp; tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tự quản của các hội nghề nghiệp bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tư pháp, bổ trợ tư pháp gắn với tiêu chuẩn, chức danh, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất chính trị; chuẩn bị tốt công tác nhân sự tham gia cấp ủy để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội giao cho về tỷ lệ giải quyết các loại án hình sự, án dân sự; nâng cao hơn nữa tỷ lệ giải quyết án hành chính.
Đối với các cơ quan tư pháp hai cấp thành phố, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TƯ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan tư pháp 2 cấp thành phố; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp Thủ đô trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu Công an thành phố chủ trì, tham mưu Thành ủy, UBND thành phố triển khai có hiệu quả Đề án "Xây dựng hệ thống trụ sở Công an xã, thị trấn"; "Đề án xây dựng kho vật chứng của thành phố"; chủ trì tham mưu, xây dựng "Quy chế phối hợp giữa các ngành nội chính thành phố trong công tác tiếp nhận, xử lý vật chứng", "Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự và các cơ quan có liên quan trong việc giám định, định giá tài sản", qua đó góp phần hoàn thành những nhiệm vụ theo đúng kế hoạch năm 2024.