"Ngày hội việc làm" - phát huy vai trò cầu nối
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang Hồ Hoàng Tuấn, để thích ứng với biến động thị trường trong tình hình mới, khi các doanh nghiệp đều đang số hóa, dần chuyển mình về ứng dụng công nghệ hiện đại thì các ngành chức năng và người lao động càng phải bắt nhịp kịp thời để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhằm tạo cơ hội cho người lao động trong tỉnh có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang tập trung đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và các cụm, điểm tư vấn việc.
Năm 2023, Trung tâm tổ chức được 14 phiên giao dịch việc, ngày hội việc làm tại 10 huyện, thị (Tri Tôn, Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Long Xuyên, Tân Châu, Chợ Mới) và 66 điểm cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động. Kết quả đã ghi nhận, có 397 doanh nghiệp tham dự, trong đó, 171 doanh nghiệp tham dự trực tiếp và 226 doanh nghiệp tham dự trực tuyến, với tổng 17.300 lao động tham gia.
Chia sẻ tại Ngày hội tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động lần 2 năm 2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, ngày hội không chỉ cung cấp thông tin về thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, thị trường xuất khẩu lao động mà còn tạo điều kiện giúp thanh niên, người lao động đến với nghề nghiệp và việc làm, giúp người lao động tìm đến địa chỉ việc làm tin cậy, giúp học sinh đang học năm cuối cấp THPT định hướng được nghề nghiệp sau tốt nghiệp.
“Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo có thêm điều kiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường học tập, làm việc và các thông tin liên quan nhằm thu hút, tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho hay.
Tương tự với huyện Chợ Mới, Ngày hội tư vấn học nghề, việc làm năm 2023 đã thu hút 16 cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong, ngoài huyện cùng trên 1.500 học sinh, sinh viên và người lao động đã tham dự. Với gần 2.400 người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm, việc tổ chức ngày hội được đánh giá có ý nghĩa hết sức thiết thực, là giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động.
Tại chương trình, các doanh nghiệp cung cấp nhiều thông tin quan trọng, tư vấn lao động ở nước ngoài theo hợp đồng ở các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Từ đó, giúp người lao động định hướng, chuẩn bị những điều kiện cần thiết khi tham gia thị trường lao động.
Đổi mới, đa dạng, linh hoạt phương thức truyền thông
Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, để người dân có thể hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang cũng ban hành văn bản tuyên truyền, quy trình, hướng dẫn thực hiện trên website, zalo, fanpage... của đơn vị cũng như phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo đài.
Cùng với đó, tích cực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật BHTN cũng như phối hợp trao đổi nghiệp vụ giải quyết hồ sơ và chi trả trợ cấp thất nghiệp; cung cấp thông tin về người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đã có việc làm mới hoặc hưởng lương hưu... để kịp thời chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như các quyết định có liên quan.
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ Việc làm An Giang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, dự kiến phối hợp cùng các phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện, thị tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và 30 cụm, điểm tư vấn việc làm, kết nối lao động. Tổ chức các buổi tư vấn tại các khu phố, khóm, ấp để tuyên truyền các thông tin chính sách việc làm cho người lao động; phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu. Cụ thể, tư vấn, giới thiệu việc làm 30.000 lượt; giới thiệu việc làm 3.500 lượt; tư vấn lao động đi làm việc ở nước ngoài 2.000 lao động.
Song song với đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác biên tập, sản xuất ấn phẩm truyền thông theo hướng dễ hiểu, thiết thực, ngắn gọn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân, người lao động; tăng cường sản xuất sản phẩm truyền thông điện tử, clip ngắn nhằm lan tỏa sâu sắc tính nhân văn của chính sách.