3 yếu tố tạo nên chương trình nghệ thuật đặc sắc
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt Nam, 80 năm phát hành cuốn sách Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry, Viện Pháp Việt Nam giới thiệu chương trình biểu diễn âm nhạc Hoàng tử bé. Phát biểu trong họp báo chiều 20.6, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết: Hoàng tử bé là chương trình giao lưu văn hóa đặc sắc và đa dạng, với sự kết hợp của 3 yếu tố: tác phẩm huyền thoại và kinh điển của nền văn học Pháp được đọc nhiều trên thế giới; tranh hoạt hình được họa sĩ vẽ tranh minh họa người Pháp sáng tác; tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp lấy cảm hứng từ câu chuyện Hoàng tử bé và từ các bức tranh.
"Ba yếu tố này sẽ được kết hợp hài hòa thành một chương trình nghệ thuật đặc sắc, được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 20h ngày 23 - 24.6", Đại sứ Nicolas Warnery nhấn mạnh.
Hoàng tử bé của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry là tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới và là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất sau Kinh Thánh và Kinh Koran. Tác phẩm đã được dịch sang hơn 542 ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Hoàng tử bé cũng đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật và truyền thông, gồm các bản thu âm, phát thanh, biểu diễn trực tiếp, phim, truyền hình, múa ballet và opera...
Trong buổi diễn tại Hà Nội, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc Pháp Marc- Olivier Dupin đã sáng tác một tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng lấy cảm hứng từ Hoàng tử bé và cuốn truyện tranh chuyển thể cùng tên của nghệ sĩ Joann Sfar. Hơn 200 hình vẽ minh họa của Joann Sfar sẽ được trình chiếu, vừa mang đến cho tác phẩm huyền thoại này “sắc thái hiện đại cùng một nguồn năng lượng tươi mới”, vừa có thể truyền tải trọn vẹn tinh thần của nhà văn Saint- Exupéry.
Dưới sự chỉ huy của chính nhạc trưởng, nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ biểu diễn Hoàng tử bé - một bản giao hưởng đầy “phóng khoáng và giàu chất thơ”, “sự đối ngẫu tinh tế với tác phẩm lừng danh của Saint-Exupéry”. Qua giọng kể của Hứa Thanh Tú và những hình ảnh đầy biểu cảm của Joann Sfar, bản giao hưởng như mời gọi khán giả chiêm nghiệm lại áng thơ đượm nét u sầu của kiếp nhân sinh và đánh thức phần tuổi thơ đang ngủ quên trong tâm hồn mỗi người.
Trong phần đầu của buổi diễn, tiếng đàn violon của nghệ sĩ Bùi Công Duy dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Tetsuji Honna sẽ đưa khán giả khám phá tác phẩm Se chỉ luồn kim, bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam với phần phối khí của nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng cùng hai tác phẩm kinh điển của hai nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp là L'Introduction et Rondo capriccioso cung la thứ, op.28 của Camille Saint-Saëns và Khúc suy tưởng trích từ vở opera Thais của Jules Massenet.
Dấu ấn nghệ thuật Việt Nam và Pháp
Theo Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam Trịnh Tùng Linh, chương trình biểu diễn Hoàng tử bé đặc biệt ở chỗ kết hợp trên sân khấu cùng lúc 3 loại hình, nên trong quá trình luyện tập, các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp phải phối kết hợp chặt chẽ 3 loại hình này.
Nhạc trưởng, nhà soạn nhạc Pháp Marc - Olivier Dupin kỳ vọng sẽ có buổi diễn hay để cống hiến cho khán giả. Ông cho biết, từ nhiều năm nay đã quan tâm và làm việc với các dự án mang tính chất đa ngành như dự án chuyên về kịch, phim tài liệu... có sự kết hợp giữa lời nói, ngôn ngữ và nhiều hình thức biểu đạt khác.
Tác phẩm Hoàng tử bé được Marc - Olivier Dupin soạn từ năm 2015, là phiên bản nhỏ trình diễn với một người dẫn chuyện, chiếu trên màn hình các hình vẽ, và biểu diễn âm nhạc với sự tham gia của 4 nhạc cụ. Lần này, ông đã đọc lại tác phẩm Hoàng tử bé và soạn tác phẩm mới, kết hợp với tranh minh họa của họa sĩ Joann Sfar. Ông cho biết, ngoài Việt Nam, tác phẩm này cũng sẽ được trình diễn tại Thụy Sỹ, Đức và Anh trong thời gian tới.

Chia sẻ tại họp báo, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hải Vân cho biết, chương trình trình diễn âm nhạc Hoàng tử bé là một hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện văn hóa chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, lần đầu tiên được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Cục Hợp tác Quốc tế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và các đơn vị tổ chức chương trình tại Nhà hát Lớn, nơi mang dấu ấn lịch sử, văn hóa đậm chất Pháp và giao lưu văn hóa Pháp - Việt. Bên cạnh ý nghĩa về kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao của hai nước, đây là cơ hội để khán giả Việt Nam thưởng thức tác phẩm văn học kinh điển được thể hiện đầy sáng tạo qua ngôn ngữ của kể chuyện, âm nhạc, mỹ thuật, với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại và phần trình diễn của các nghệ sĩ hàng đầu”.
Bà Trần Hải Vân hy vọng những chương trình biểu diễn như Hoàng tử bé sẽ góp phần làm phong phú hơn đời sống nghệ thuật tại Việt Nam. Đồng thời, tạo cảm hứng cho nghệ sĩ Việt Nam quan tâm làm mới tác phẩm văn học kinh điển nói riêng, tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, bằng hình thức thể hiện phong phú và đa dạng, mang hơi thở thời đại, tạo cảm xúc mới mẻ cho khán giả. Qua đó, góp phần phát huy sự đa dạng biểu đạt văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật tại nhiều địa phương của Pháp, cộng hưởng với các sự kiện của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam được kỳ vọng tạo ra dấu ấn nghệ thuật cho dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.