Phân công nhiệm vụ cụ thể
Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Đề án 1371 Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, ban hành Quy chế hoạt động, xác định rõ cơ chế hoạt động, phối hợp và phân công cụ thể về nhiệm vụ đối với từng thành viên. Tổ chức họp, thảo luận, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện Đề án. Ban hành Kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2024 và năm 2022; ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án. Triển khai việc thiết kế, báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào sử dụng logo của Đề án; tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Đề án cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương và tập huấn báo cáo viên pháp luật tại 137 điểm cầu.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án - Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng (Văn phòng Bộ Quốc phòng) đã tổ chức biên tập, phát hành 18.000 cuốn tài liệu liên quan đến quán triệt, triển khai thực hiện Đề án; phối hợp với Bộ Tư pháp biên tập, phát hành 85.000 cuốn tài liệu “Kỹ năng PBGDPL cho nhân dân”; 650.000 tờ gấp pháp luật về nội dung Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; mua 50 đầu sách pháp luật cấp cho một số địa phương, địa bàn trọng điểm làm tài liệu tuyên truyền.
Cùng với đó, đã báo cáo, lập dự toán và phân cấp kinh phí, mua sắm phương tiện, vật chất, tài liệu, bảo đảm cho hoạt động Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc các cấp và hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, trong đó, thực hiện đúng chủ trương "Ưu tiên địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Đến nay, theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Đề án đã được thành lập ở Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Chỉ huy Quân sự quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Ở các cơ quan, đơn vị: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục, quân đoàn, quân chủng, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị không thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc đã giao cho Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đảm nhiệm việc tham mưu, tư vấn lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án; Tổ Giúp việc do Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL đảm nhiệm. Ở những cấp không thành lập Hội đồng Phối hợp PBGDPL, việc tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án do cơ quan chính trị, cán bộ chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, cán bộ có liên quan thực hiện.
Rà soát đội ngũ báo cáo viên pháp luật
Để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án ở các cấp, nhất là các địa phương vùng biên giới, hải đảo đã tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, cũng như đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên pháp luật và người có uy tín ở cơ sở cả về số lượng, chất lượng.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và cử cán bộ tham gia các đợt tập huấn do Bộ, ngành Trung ương tổ chức nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ này. Một số đơn vị đã kết hợp với địa phương tổ chức hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau về kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Thực hiện đa dạng hóa nội dung, hình thức PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật đa dạng. Cụ thể như tổ chức phổ biến tập trung trực tiếp; nói chuyện pháp luật; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin nội bộ, bảng, biển, biểu ngữ, tranh cổ động; phát loa, mở băng tuyên truyền; tủ sách pháp luật, túi sách pháp luật, tờ rơi, tờ gấp pháp luật, bảng tin, bản tin của cơ quan, đơn vị, khu dân cư; phối hợp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, diễn đàn, tọa đàm, sân khấu hóa…
Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và các đơn vị đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo, tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án "Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo" để tổ chức tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp với địa phương, củng cố, phát triển và duy trì hoạt động của trên 2.000 câu lạc bộ pháp luật và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 1.084 trung tâm tư vấn pháp luật; trên 1.100 tổ tuyên truyền pháp luật (số lượng từ 7 - 12 người); 9.828 tổ hòa giải. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, PBGDPL mỗi tuần từ 1 - 2 buổi (vào ngày phiên chợ, tại các bãi ngang, các cảng cá khi ngư dân đi khai thác làm ăn trên biển về...).
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng cũng đã tổ chức hàng nghìn đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, gần 145.000 buổi tuyên truyền, PBGDPL thu hút trên 6,8 triệu lượt người nghe về chủ trương, đường lối của Đảng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, các văn bản pháp luật mới ban hành, về quốc phòng, an ninh và các vấn đề có liên quan đến đời sống, xã hội, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân; âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước của thế lực thù địch, phản động.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch; phát động "Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới", góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới vào nội địa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.