Sáng 13.11, tại trung tâm báo chí, Nhà Quốc hội, ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội (VPQH) tổ chức họp báo quốc tế công bố kết quả Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XV.
Cùng dự có: Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn và đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội…
Một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp được áp dụng và đạt kết quả tốt
Báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ Hai, Phó Chủ nhiệm VPQH Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp lần này diễn ra trong 16 ngày rưỡi và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến với họp tập trung. Với phương châm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, thiết thực và thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến được áp dụng và đạt kết quả tốt như: chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thử nghiệm các hình thức biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị iPad… Số lượng ý kiến phát biểu của đại biểu tham gia vào các nội dung của kỳ họp tăng cao hơn hẳn so với các kỳ họp trước (đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại Hội trường).
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, thông qua các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Quốc hội cũng cho ý kiến về 5 dự án luật.
Để giải quyết các vấn đề lớn của nền kinh tế gặp phải do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022…
Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Kế hoạch này phải gắn với Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính và an toàn tiền tệ quốc gia. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, hoàn thành trước tháng 4.2022, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này hàng năm; giữa nhiệm kỳ và cả nhiệm kỳ.
Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, trong đó, đề nghị các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Đối với giám sát tối cao, kết quả Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi; các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn.
Quốc hội cũng xem xét báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục chủ động bám sát tình hình thực tế, nâng cao năng lực trong dự báo, tăng cường các giải pháp, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả hơn để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội và sự công bằng trong thụ hưởng, không để sót, bỏ lọt đối tượng…
Quốc hội bắt nhịp hơi thở cuộc sống
Trả lời báo chí về việc Quốc hội dự kiến tổ chức Phiên họp chuyên đề vào cuối năm nay, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường cho biết, việc tổ chức phiên họp chuyên đề nằm trong quá trình hoàn thiện Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. “Quốc hội sẽ linh hoạt hơn và tiến tới sẽ sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành”, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH cho biết, dự kiến Phiên họp sẽ tổ chức vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.2022. Trong văn bản gửi Chính phủ đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu trình theo đúng quy định cuả pháp luật. Nếu Chính phủ trình đầy đủ hồ sơ, tài liệu, bảo đảm chất lượng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đối với Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần này, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH nêu rõ, có 2 điều đổi mới. Một là, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là có định lượng cụ thể, có tiến độ, thời gian cũng như "đầu việc" cụ thể giao các cơ quan có chức năng phải chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội, nhất là sau chất vấn và trả lời chất vấn. Hai là, chất vấn lần này có cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh tham gia chất vấn và biểu quyết qua hình thức trực tuyến.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH khẳng định, từ kinh nghiệm này, trên cơ sở những yêu cầu trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, việc ban hành Nghị quyết và hậu giám sát chất vấn sẽ được tiếp tục hoàn thiện để vừa thích ứng linh hoạt, vừa bảo đảm các yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội; khẳng định rằng Quốc hội bắt nhịp hơi thở của cuộc sống, thực hiện tốt nhiệm vụ, cử tri và Nhân dân tin tưởng giao phó.