Dự và phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ Luật Lao động (sửa đổi) phải được đánh giá tác động trên 5 khía cạnh, gồm kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật. Kết quả đánh giá tác động giới là một trong những yếu tố quan trọng khi tổng hợp kết quả đánh giá tác động nói chung để đưa ra phương án lựa chọn tối đa cho từng giải pháp chính sách.
Bộ luật Lao động có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng. Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung lần này có tác động lớn về kinh tế, xã hội không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn đối với việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc và cuộc sống của hàng chục triệu lao động ở các giới khác nhau cũng như thành viên gia đình họ. Chính vì thế, việc đánh giá tác động về giới và lồng ghép giới trong quá trình xây dựng dự án luật này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt phát biểu tại Hội thảo |
Từ thực tế triển khai các quy định của Bộ luật Lao động cho thấy, có không ít quy định liên quan bình đẳng giới không còn phù hợp. Một số quy định riêng đối với lao động nữ không còn phù hợp với cách tiếp cận hiện đại về bình đẳng giới. Một số biện pháp bảo vệ lao động nữ về sức khỏe sinh sản chưa bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình… Để khắc phục những tồn tại này, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận khi xây dựng các quy định từ cách bảo vệ lao động sang cách tiếp cận thúc đẩy bình đẳng giới đối với cả lao động nam và lao động nữ.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, báo cáo đánh giá tác động giới của các chính sách trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được cơ quan đề xuất (Bộ LĐ-TB và XH) thực hiện theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung, quy trình, phương thức đánh giá tác động chính sách. 8 chính sách, trong đó có bảo đảm quyền tự do tìm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức bằng việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời gian làm thêm. Ngoài ra, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…